Tự hào vì có Mẹ - Mẹ Việt Nam anh hùng

Cập nhật ngày: 11/09/2015 11:03:39

Cùng cán bộ phường An Lộc, chúng tôi đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Nguyễn Thị Đầm (SN 1930) ở khóm An Thạnh A, phường An Lộc, TX.Hồng Ngự. Đã bước qua tuổi 85, bệnh tật và tuổi già làm Mẹ không còn phát âm rõ ràng, nhưng đôi mắt Mẹ vẫn ánh lên khí phách của một người phụ nữ Việt Nam kiên cường, ánh mắt cũng chất chứa những mất mát không thốt nên lời, đó là nỗi đau của người mẹ mất con, người vợ mất chồng.


Các con, cháu luôn túc trực bên cạnh chăm sóc Mẹ Nguyễn Thị Đầm những năm tháng tuổi già

Những mất mát quá lớn...

Qua lời kể, Mẹ là con thứ 3 trong một gia đình cách mạng (em trai út của Mẹ là liệt sĩ Nguyễn Thành Long - hy sinh năm 1968) ở huyện Hồng Ngự. Chồng Mẹ là liệt sĩ Bùi Văn Chưởng (1925 - 1952), ông ngã xuống khi đang là Huyện ủy viên huyện Hồng Ngự. Nhận tin báo chồng hy sinh cũng là lúc Mẹ đang mang trong mình đứa con thứ ba. Nỗi đau càng thôi thúc Mẹ quyết tâm tham gia chống giặc cùng chị em phụ nữ tại địa phương. Mẹ nuôi giấu, tiếp tế lương thực cho cán bộ ở vùng cách mạng. Rồi các con của Mẹ lớn lên đều nối bước tham gia kháng chiến. Con trai lớn của Mẹ là anh Bùi Hải Bằng (SN 1949), thoát ly gia đình tham gia cách mạng khi vừa 13 tuổi, chiến đấu rất dũng cảm, từng bị địch bắt đưa đi tù ở nhà tù Phú Quốc (1969 - 1973), hiện là thương binh 3/4. Con gái thứ hai của Mẹ là chị Bùi Thị Yến (1950 - 1967) (bí danh Thu Ba) tham gia cách mạng khi chưa tròn 14 tuổi. Chỉ 3 năm sau, chị góp phần vào chiến thắng lẫy lừng trong trận bắn cháy 37 tàu (4/12/1967) trên sông Rạch Ruộng, thuộc xã Thanh Hưng (nay là xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Nhưng đó cũng là trận chiến cuối cùng con gái Mẹ tham gia, chị hy sinh ở tuổi 17, cái tuổi đẹp nhất của thời con gái, khi còn chưa kịp nhìn thấy ngày đất nước giải phóng.

Nén nước mắt vào trong, Mẹ vượt lên nỗi đau lớn lao và kiên cường phục vụ cách mạng. Sau đó, Mẹ tái giá và có 5 người con cùng ông Lê Văn Ánh (1921 - 2008) - là một trong những người đồng đội kiên trung cùng chiến đấu tại địa phương. Khi ấy, địch xếp gia đình Mẹ vào loại gia đình cách mạng “nằm vùng”, do đó, chúng theo dõi, tra vấn gắt gao. Chị Lê Thu Dung, con gái thứ của Mẹ cho biết: “Giặc thường xuyên đến nhà, kiểm tra, hết dụ dỗ lại tra hỏi 5 chị em tôi rất dữ tợn. Có hôm chúng ở lì trong nhà không chịu về. Nhưng dưới sự giáo dục của ba mẹ, cả 5 chị em đều có lòng căm thù giặc sâu sắc, không khai báo nửa lời dù bị giặc xét hỏi, đe dọa”.

Những năm tháng chiến tranh, cùng với những người dân yêu nước khác, gia đình Mẹ góp phần rất lớn vào việc bảo vệ lực lượng cách mạng, kiên cường chống giặc đến ngày toàn thắng của cả đất nước.

Niềm an ủi...

Không thể đong đếm hết những nỗi đau của thế hệ đi trước đã phải gánh chịu, nhưng trong lòng Mẹ Nguyễn Thị Đầm và những người Mẹ VNAH khác luôn tự hào vì sự hy sinh của người thân góp phần mang lại độc lập, tự do của dân tộc. Sau ngày giải phóng, những người con của Mẹ đều được ăn học đến nơi đến chốn, hiện có gia đình và công việc ổn định, cuộc sống sung túc. Riêng Mẹ Nguyễn Thị Đầm được vợ chồng người con trai út - anh Lê Nam Tuấn chăm lo, phụng dưỡng. Khi Mẹ được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ VNAH”, cả gia đình không giấu nỗi xúc động, bởi đó cũng là niềm tự hào và an ủi to lớn cho những hy sinh thầm lặng của Mẹ trong những năm tháng cuối đời.

Ngày nay, trên khắp mảnh đất hình chữ S này, đều có bóng dáng những người Mẹ - Mẹ VNAH, những huyền thoại đáng tự hào về một thời hào hùng của dân tộc. Các mẹ đã hy sinh xương máu góp phần cho sự độc lập của đất nước và là nhân chứng hùng hồn nhắc nhở chúng ta - những con người đang sống trong hòa bình, không được phép lãng quên quá khứ, để càng có quyết tâm xây dựng tương lai, xứng đáng với những hy sinh lớn lao của những thế hệ đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập dân tộc.

Ngân Nguyễn

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn