Du lịch Đồng Tháp chuyển mình và phát triển

Cập nhật ngày: 02/02/2015 14:05:31

Những năm gần đây, du lịch được quy hoạch để trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Có thể nhận định, du lịch Đồng Tháp đang trong giai đoạn chuyển mình trên đà phát triển.


Khách du lịch tham quan Vườn Quốc gia Tràm Chim

Du lịch Đồng Tháp ngày càng được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Nhiều điểm đến trong tỉnh như Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê gây ấn tượng cho du lịch Việt Nam được bình chọn 100 điểm đã được du khách quốc tế yêu thích, là điểm đến không thể thiếu trong chương trình du lịch của khách quốc tế đến đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông) và Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh) vừa được bình chọn là điểm du lịch tiêu biểu ở ĐBSCL; Làng hoa Sa Đéc, Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) còn là địa chỉ yêu thích của khách du lịch trong cả nước.

Đánh giá về góc độ kinh tế du lịch thì tỷ lệ khách quay trở lại hay tăng trưởng lượt khách đến chưa đánh giá đúng hiệu quả về tăng trưởng phát triển ngành, mà hiệu quả chính của ngành du lịch thường được đánh giá qua các chỉ số chính như tốc độ tăng trưởng khách, thời gian lưu trú qua đêm, mức chi tiêu bình quân của thực khách tại điểm đến, năng suất lao động, sức thu hút người mua và giá cả dịch vụ du lịch, mức độ thỏa mãn của du khách và chương trình hành động cụ thể của ngành du lịch, cuối cùng là đóng góp của du lịch vào cơ cấu GDP của tỉnh cũng như của ngành du lịch nói chung. Mặt khác, du lịch Đồng Tháp trong Đề án phát triển du lịch đến năm 2020 đã xác định rõ du lịch Đồng Tháp là chọn sự khám phá, trải nghiệm, việc chọn lựa này cũng phù hợp với bản chất của du lịch nói chung, bởi khách du lịch luôn muốn đi đến những vùng đất mới lạ, tìm hiểu những nền văn hóa độc đáo, trải nghiệm những lối sống khác nhau. Đối với khách du lịch ở nhiều nền kinh tế phát triển, du lịch là một phần thiết yếu trong cuộc sống bên cạnh quá trình lao động, làm việc. Họ có điều kiện dành thời gian và nguồn tài chính để thực hiện nhiều chuyến du lịch trong đời và coi đây là cơ hội vừa để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa để khám phá những nền văn hóa mới và bồi đắp kiến thức cho mình.

Ngành du lịch phát triển còn góp phần tạo công ăn việc làm, giải quyết an sinh xã hội. Do đó, ngày nay du lịch đang ngày càng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Chất lượng dịch vụ được nâng lên, bên cạnh đó, tính cạnh tranh của du lịch còn là cách để người sử dụng dịch vụ đánh giá đúng chất lượng dịch vụ du lịch, từ đó góp phần hình thành các giải pháp tốt hơn để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của du lịch phục vụ du khách ngày càng tốt hơn. Chất lượng du lịch Đồng Tháp đang dần cải thiện tốt lên, đi vào chiều sâu đúng định hướng trong phát triển du lịch của tỉnh khi đề ra mục tiêu Đề án phát triển du lịch phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch Đồng Tháp trở thành ngành kinh tế quan trọng và là điểm sáng của du lịch ĐBSCL.

Vấn đề quan trọng đòi hỏi những người làm du lịch cũng như nhà quản lý, cộng đồng cùng chung sức quyết tâm hơn trong việc nâng cao chất lượng du lịch để thu hút khách, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách là một định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Đồng Tháp. Ngoài ra, sự phát triển của du lịch phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của các cấp lãnh đạo chuyên ngành và địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ngành liên quan, sự năng động tích cực của các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, sự đồng cảm và tham gia của cộng đồng dân cư, du khách và sự quan tâm khích lệ của các cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh là một kênh quan trọng tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Đồng Tháp đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng góp phần cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng, rất cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn từ Trung ương và tùy theo điều kiện mỗi địa phương như ưu đãi về cơ chế một số chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như: giảm thuế sử dụng tiền thuê đất cho các dự án du lịch sinh thái, resort, khách sạn, dự án du lịch sử dụng nhiều diện tích đất dành cho đầu tư cảnh quan, không gian và hạ tầng; thuế nhập khẩu thiết bị phương tiện phục vụ cho du lịch chất lượng cao mà trong nước chưa sản suất được,... Có như thế, ngành du lịch mới có sự bức phá và tạo cơ hội cho các ngành khác phát triển gắn với du lịch, thương mại cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động trong nước và thu hút lao động nước ngoài trong lĩnh vực du lịch để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, góp phần nâng cao vị thế du lịch thực sự trở thành kinh tế quan trọng của cả nước.

Nguyễn Thị Nga

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn