Vai trò của trường sư phạm và sứ mệnh của người thầy trong bối cảnh mới

Cập nhật ngày: 25/10/2017 08:06:21

Công cuộc đổi mới giáo dục liên quan đến cả hệ thống giáo dục quốc dân và toàn xã hội. Riêng đối với các trường sư phạm (SP), nơi đào tạo đội ngũ nhà giáo nhằm mục tiêu phục vụ sự đổi mới ở phổ thông (PT), thì sự đổi mới ở đây mang nhiều ý nghĩa. Bởi, điều này sẽ góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo - giải pháp then chốt bảo đảm sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Giáo dục phổ thông (GDPT) đã có nhiều thay đổi, các trường SP cũng cần thay đổi và đi trước sự đổi mới ở trường PT.


Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển đội ngũ giảng viên có ý nghĩa rất lớn trong đổi mới phương pháp giảng dạy

Ở trường SP, trước tiên là phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo phù hợp với sự đổi mới GDPT, đặc biệt là chương trình các ngành đào tạo giáo viên dạy môn tích hợp. Chương trình đào tạo cần thay đổi theo hướng chuyển từ giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực của nhà giáo tương lai, để những giáo viên tương lai có thể đảm nhận tốt vai trò “dạy người, dạy chữ, dạy nghề” (khác với trước đây là “dạy chữ, dạy người, dạy nghề”), song song với việc tiến hành đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, cách kiểm tra, đánh giá trong đào tạo giáo viên; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục và khoa học quản lý, trước hết phục vụ cho sự đổi mới ở trường SP và trường PT.

Trong bối cảnh mới, vai trò người thầy không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người tổ chức, dẫn dắt và truyền cảm hứng, khát vọng cho người học. Bên cạnh, chương trình đào tạo được đổi mới theo mục tiêu chung, các trường SP cũng cần tiếp tục hoàn thiện các quy định trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ một cách phù hợp với đối tượng, bối cảnh và vùng văn hóa; trong đó quan tâm đổi mới quản lý và quản trị: dạy và học, chất lượng, người học, hệ thống, sự thay đổi...

Tiếp theo, để có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội và nền kinh tế thị trường đối với nguồn nhân lực, các trường cần chú trọng trang bị cho sinh viên SP các phương pháp mang tính công cụ như: tự học, nghiên cứu, tư duy, áp dụng kiến thức đã học vào công việc cụ thể. Song hành với các hoạt động rèn luyện các kỹ năng nghề, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ môi trường, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp và tinh thần khởi nghiệp cho người học, từng bước góp phần phát triển năng lực tư duy và khát vọng cống hiến của sinh viên SP. Những điều này cũng cần được cụ thể hóa ở chuẩn đầu ra các ngành đào tạo.

Chương trình đào tạo, cơ chế quản lý và quản trị, phương pháp giảng dạy cũng cần kết hợp hiệu quả với vai trò của người thầy, có như vậy thì công cuộc đổi mới đạt kết quả như mong muốn. Về vai trò của người thầy, lãnh tụ LêNin đã có phát biểu rất hình tượng với đại ý như sau: “...Chỗ dựa vững chắc cho nhà nước Xô Viết trước hết là chiến sĩ Hồng quân, tiếp theo là thầy cô giáo”. Chúng ta cũng có thể liên tưởng đến vai trò này của người thầy trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.

Với tầm nhìn “Trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu có chất lượng, có uy tín ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; là một trong số trường đại học đào tạo giáo viên chất lượng cao của Việt Nam, Trường Đại học Đồng Tháp đã chủ động nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục các cấp học gắn liền với hoạt động phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, bảo đảm tính hiện đại và thực tiễn, đồng hành và đón đầu đổi mới chương trình GDPT.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Đồng Tháp đã chủ động phối hợp các trường PT tổ chức nghiên cứu khoa học giáo dục, phát hiện những vấn đề nảy sinh trong giáo dục, trong triển khai chương trình GDPT mới để cùng tìm giải pháp, góp phần phát triển năng lực nghề nghiệp cho cả giảng viên SP và giáo viên PT, trực tiếp tham gia thực nghiệm, sơ kết, tổng kết, đánh giá quá trình triển khai chương trình GDPT mới. Trường Đại học Đồng Tháp cũng đã thành lập Trung tâm Bồi dưỡng nhà giáo, Trung tâm Phát triển kỹ năng SP để kịp thời đáp ứng yêu cầu đổi mới, đồng thời triển khai quy định giảng viên cùng trực tiếp tham gia các hoạt động kiến tập, thực tập SP cùng với sinh viên ở các trường PT.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn