Cần có đối sách phù hợp trong phát triển ngành hàng bò ở huyện Tân Hồng

Cập nhật ngày: 16/03/2019 10:41:55

ĐTO - Với qui mô tổng đàn bò khoảng trên 16 ngàn con, huyện biên giới Tân Hồng là địa phương có tổng đàn bò lớn nhất tỉnh, đây cũng là ngành hàng thế mạnh sau ngành hàng lúa gạo được huyện Tân Hồng đưa vào Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương. Tuy nhiên, khoảng hơn 3 năm trở lại đây, ngành hàng này đang đối mặt với nhiều khó khăn về tiêu thụ, phần lớn việc chăn nuôi của người dân chỉ theo mô hình nông hộ nhỏ lẻ, chưa kết nối được với doanh nghiệp thu mua cũng như chế biến.


Người chăn nuôi ở huyện Tân Hồng hi vọng có doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ bò

Được đánh giá là một trong những tổ hợp tác (THT) mạnh về chăn nuôi bò ở huyện Tân Hồng, song vài năm trở lại đây, THT chăn nuôi bò xã Tân Hộ Cơ đang mất dần “phong độ” khi số thành viên của THT “giải nghệ” nuôi bò ngày một nhiều.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Minh Luôn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hộ Cơ cho biết: “Phong trào nuôi bò ở huyện Tân Hồng bắt đầu phát triển mạnh từ khoảng năm 2012. Khi đó ai ai cũng đổ xô nuôi bò, khi nhu cầu của thị trường tăng mạnh, giá bò cũng tăng vọt theo. Thời điểm đó, giá một con bò lai sind sinh sản có giá trên 40 triệu đồng. Song nuôi sau 1 năm thì bò mẹ đẻ ra 1 con bê con, nuôi vài tháng là nông dân có thể bỏ túi khoảng 20 triệu đồng, trong khi đó bán con bò mẹ vẫn giữ y giá. Nhờ mô hình nuôi bò sinh sản và bò vỗ béo mà nhiều nông hộ ở địa phương cải thiện được thu nhập. Tuy nhiên giá bò sốt giá không bao lâu, năm 2016 bò bắt đầu rớt giá mạnh cho đến thời điểm này”.

Theo thông tin từ nhiều hộ chăn nuôi bò ở huyện Tân Hồng, giá bò hiện tại có thể được xem là thấp kỷ lục trong vòng 5 năm trở lại đây. Hiện tại bò lai sind có ngoại hình đẹp có giá khoảng 20 triệu đồng/con, giảm khoảng 25 triệu đồng so với giai đoạn năm 2014 – 2015, bò vàng sinh sản giống địa phương giảm trung bình từ 40 – 50%, giá bò giống được thương lái thu mua tại chuồng 10 – 12 triệu đồng/con.

Gắn bó với nghề nuôi bò khoảng trên 40 năm, song khi nói đến làm giàu bằng nghề nuôi bò thì ông Nguyễn Tấn Đức ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ ngao ngán: “Trước kia, chưa bao giờ bò trong chuồng nhà tôi dưới vài chục con, vậy mà bây giờ trong chuồng chỉ dám để lại 2 con làm giống. Bởi nuôi càng nhiều thì lỗ càng nặng, nuôi cả năm dài bán ra giá bò còn thấp hơn lúc mình mua vào nuôi. Như vậy thì làm sao có thể “ăn nên làm ra” với cái nghề nuôi bò này được nữa. Chúng tôi hi vọng địa phương sẽ kêu gọi được nhà đầu tư về giết mổ cũng như chế biến các sản phẩm từ thịt bò. Chỉ có hướng vào chế biến thì việc chăn nuôi bò của nông dân chúng tôi mới có thể hi vọng phát triển ổn định và bền vững”.

Để hỗ trợ ngành hàng bò địa phương có điều kiện phát triển và cải thiện chất lượng con giống trong những năm qua, huyện Tân Hồng đã thực hiện đều đặn chương trình “Sind hóa” đàn bò địa phương. Buổi đầu thì đây được xem là giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng cho đàn bò. Tuy nhiên, theo phản ánh của người chăn nuôi, dường như bò lai sind không thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên cũng như phương thức chăn nuôi truyền thống của người dân Tân Hồng.

Ông Lê Hồng Hòa - Chủ nhiệm Hội quán Tân Tạo, xã Bình Phú chia sẻ: “Có một thực trạng là bò lai sind mặc dù lớn con, chất lượng, song giống bò này không được các cơ sở giết mổ và người chăn nuôi ưu chuộng. Theo phản hồi từ lái bò thì bò sind dù lớn con nhưng khi giết mổ lại không có nhiều thịt như giống bò tại địa phương. Về phía người chăn nuôi ngán ngại với giống bò này là vì bò sind khó nuôi, đòi hỏi người chăn nuôi phải cung cấp nguồn cỏ chất lượng. Trong khi đó, giống bò cỏ địa phương có thể sử dụng tốt nguồn cỏ, rơm rạ trên đồng và sinh sản khá tốt. Ngoài ra, giá bò lai sind rớt giá mạnh cũng là nguyên nhân khiến nông dân không mấy mặn mà với chiến lược “Sind hóa” đàn bò của ngành nông nghiệp”.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hồng, hiện nay, toàn huyện có 3 THT hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi bò với 120 thành viên là: THT nuôi bò xã Tân Hộ Cơ, THT nuôi bò Tân Công Chí và THT nuôi bò xã Bình Phú. Tuy nhiên, hoạt động của các THT này chủ yếu chỉ dừng lại là hỗ trợ nhau về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, khâu liên kết tiêu thụ thì vẫn còn “bỏ ngỏ”. Hiện nay toàn huyện Tân Hồng có trên 7 lò giết mổ trâu bò, với qui mô giết thịt khoảng 6 ngàn con/ tháng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu cho sản phẩn bò hơi của huyện Tân Hồng là TP.HCM và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, hoạt động mua bán, giết mổ, tiêu thụ bò ở Tân Hồng hiện nay vẫn còn mang tính tự phát, chưa tạo được mối liên kết với thành phần trong chuỗi sản xuất.

Hơn thế, dù là ngành hàng có nhiều tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi, song nhiều năm qua mặt hàng thịt bò của huyện Tân Hồng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu và tạo được vị thế riêng trên thị trường. Đây cũng chính là điểm hạn chế khiến cho ngành hàng thế mạnh này không tạo được sức cạnh tranh trong thời gian qua.

Mỹ Lý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn