Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp

Chung tay tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn

Cập nhật ngày: 19/03/2014 05:41:13

Với nhiều hoạt động thiết thực trong nhiều năm qua, Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp đã góp phần phát triển kinh tế VAC theo hướng an toàn, hiệu quả. Hướng tới sản xuất một nền nông nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường và bao tiêu nông sản cho bà con. Từ đó, giúp tăng thu nhập cho bà con nhà vườn, tạo diện mạo mới cho nông nghiệp, nông thôn...


Liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây theo hướng GAP ở huyện Châu Thành

Năm qua, Hội Làm vườn tỉnh chú trọng tham gia, thực hiện các chương trình, dự án về phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC theo hướng hàng hóa, nông nghiệp đô thị... Thông qua việc thực hiện các chương trình, Tỉnh hội đã củng cố và xây dựng mới tổ chức Hội ở các cấp cơ sở. Hiện tại, đã thành lập được 10/12 huyện, thị, thành Hội với 400 chi hội. Trong năm 2013, Hội phát triển mới gần 1.100 hội viên, đến nay tổng số hội viên trong toàn tỉnh là gần 15.100 hội viên.

Trên lĩnh vực cây ăn trái, nhiều năm liền Hội Làm vườn tỉnh sát cánh cùng nông dân làm vườn tập trung với 3 loại cây trồng chủ lực của tỉnh (xoài, nhãn, quýt hồng và quýt đường). Trong năm 2013, Tỉnh hội đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức nhiều lớp huấn luyện, chuyển giao KHKT cho bà con nhà vườn. Chương trình tập huấn với những nội dung hữu ích giúp bà con nông dân nắm rõ kiến thức về chuỗi giá trị sản phẩm VAC an toàn, hợp đồng tiêu thụ trái cây; các tiêu chí để được chứng nhận trái cây theo hướng an toàn (VietGAP, GlobalGAP).

Ông Nguyễn Văn Ba (số 379, ấp An Thạnh, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Hội Làm vườn tỉnh rất quan tâm tổ chức cho bà con tham quan mô hình cây, con giống đạt hiệu quả cao về giá trị kinh tế và các mô hình sản xuất trái cây theo hướng Viet GAP, GloabalGap và tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ vậy, bà con nông dân mới nắm vững được kiến thức về phòng trừ sâu bệnh, cây ăn trái. Xử lý ra hoa vụ nghịch được tiến hành theo phương thức rải vụ, chăm sóc vườn cây ăn trái sau lũ...”.

Từ việc nắm rõ kiến thức sau các chương trình tập huấn và áp dụng thực hiện một cách khoa học về cách xử lý ra hoa theo phương pháp rải vụ... nhiều nhà vườn trồng nhãn Edor, quýt hồng, quýt đường đạt hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các mô hình kinh tế nông nghiệp khác do Hội Làm vườn tỉnh khuyến khích, hướng dẫn bà con nông dân trong tỉnh thực hiện cũng đang phát triển tốt. Nổi bật là mô hình sản xuất và tiêu thụ xoài theo hướng an toàn VietGap, trồng dừa dứa, dừa xiêm ở huyện Cao Lãnh; mô hình nuôi trồng thử nghiệm nhân giống rùa Răng ở các huyện Tân Hồng, Cao Lãnh, Hồng Ngự; nuôi chim trĩ ở TP.Cao Lãnh; trồng thiên lý ở huyện Tháp Mười...

Bên cạnh việc hướng dẫn, tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học trong sản xuất, Hội Làm vườn tỉnh luôn chú trọng công tác hình thành, xây dựng các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác liên kết và tiêu thụ trái cây theo hướng an toàn GAP. Các HTX này ngày càng được nhân rộng và phát triển nhiều ở những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái tập trung của tỉnh. Nổi bật là HTX sản xuất và tiêu thụ xoài ở xã Mỹ Xương, Mỹ Hiệp, HTX Chanh ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh; HTX nhãn ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành.

Song song với công tác chuyển giao kỹ thuật, nâng cao nhận thức của nhà vườn về sản xuất GAP an toàn, năm qua, Hội đã tiến hành củng cố, vận động phát triển mới 2 HTX, 7 tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây theo hướng GAP, 1 tổ làm dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nhà vườn trong và ngoài tỉnh có nhu cầu (nhân giống vô tính, đốn tỉa cành, tạo tán, xử lý cho xoài, nhãn, cây có múi ra hoa theo phương thức rải vụ) ở TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lấp Vò, Lai Vung. Hiện toàn tỉnh có 42 tổ hợp tác do Hội Làm vườn tỉnh phối hợp các ngành liên quan, củng cố, thành lập. Đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến HTX, tổ hợp tác thỏa thuận để bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, Hội Làm vườn tỉnh còn tổ chức tham dự trưng bày, giới thiệu bán sản phẩm kinh tế vườn, các sản phẩm từ các làng nghề nông nghiệp của tỉnh. Đây là tín hiệu vui cho bà con hội viên trong khâu giải quyết đầu ra của sản phẩm.

Ông Lê Văn Tâm - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trong năm 2014, nhiệm vụ trọng tâm của Tỉnh hội là phát triển mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế nông nghiệp đô thị theo hướng sản xuất an toàn trên cơ sở liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa; quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm kinh tế vườn, kinh tế VAC...”.

T.Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn