Đầu tư nuôi trồng thủy sản còn chưa tương xứng với tiềm năng

Cập nhật ngày: 06/07/2012 14:02:51

Thực hiện Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22-11-2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Quyết định 2194/QĐ-TTg ngày 25-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020, ngành Nông nghiệp đã quy hoạch bố trí lại vùng nuôi đối với 2 loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh là cá tra và tôm càng xanh.

Các hộ chăn nuôi trong vùng quy hoạch chấp hành tốt việc bố trí khu xử lý có diện tích bằng 20% tổng diện tích ao nuôi để xử lý nước thải, bùn đáy ao trước khi thải ra môi trường, 100% các hộ nuôi thủy sản với quy mô lớn đều sử dụng thức ăn công nghiệp thay cho thức ăn tự chế và thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.


Nuôi tôm càng xanh - thế mạnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh

Ngày 15-12-2003, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2017/QĐ-UB.HC về việc phê duyệt Dự án đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2003-2010, có tổng mức đầu tư dự án là 188,823 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 88,335 tỷ đồng, vốn vay và tự có của dân 100,488 tỷ đồng.

Đến hết năm 2010, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện tổng vốn đầu tư cho hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản của tỉnh là 78,5 tỷ đồng, bằng 88,86% chỉ tiêu Dự án. Vốn của các thành phần kinh tế 248 tỷ đồng/100,488 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần (đầu tư đào ao nuôi, cống, bờ bao ao nuôi, máy bơm... thuộc ao nuôi riêng).

Đối với vùng cá ao hầm, nuôi tôm, cá trên ruộng (10.000ha) đã đầu tư được 92,3km/561km bờ bao (đạt 16,45%); đầu tư được 28 cống/1.254 cống (đạt 2,23%). Nguyên nhân đạt thấp do dự án hạ tầng lập đầu tư cho vùng nuôi tôm, cá ao hầm, nuôi cá trên ruộng tất cả các huyện, thị trong tỉnh, nhưng khi thực hiện không có kinh phí triển khai, chỉ đầu tư hỗ trợ vùng nuôi tôm, cá thí điểm và một số nơi nuôi tập trung quy mô lớn.

Đối với vùng nuôi cá tra, đã đầu tư các công trình hạ tầng được 65,8km đường giao thông nông thôn, 25 cầu, 41,5km trung thế, hạ thế, 27 trạm biến áp. Đầu tư 2 Trạm quan trắc môi trường, kiểm dịch tại Châu Thành, Hồng Ngự và Trung tâm giống thủy sản. Dự án đặt ra chỉ tiêu đầu tư 22 trạm bơm điện tập trung cho các khu vực nuôi nhưng chưa đầu tư được, các tổ chức, cá nhân tự đầu tư trạm bơm nhỏ quy mô phục vụ nội bộ và 707 cống các ao nuôi do các tổ chức, cá nhân tự đầu tư.

Trong 8 năm triển khai thực hiện dự án, từ 2003-2010, nguồn vốn ngân sách Trung ương chỉ mang tính hỗ trợ, ngân sách tỉnh còn hạn chế, do vậy chưa tương xứng với tiềm năng phát triển thủy sản, hiệu quả chưa đồng bộ, chưa có khu vực nuôi có đủ công trình hạ tầng tập trung giải quyết hoàn chỉnh việc cấp nước, tiêu thoát nước riêng biệt cho vùng nuôi. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng thủy sản, nguồn vốn đầu tư hỗ trợ nên các huyện, thị phải lo kinh phí đối ứng đền bù GPMB từ ngân sách hoặc vận động nhân dân đóng góp, do vậy một số công trình triển khai gặp khó khăn do GPMB nên ảnh hưởng đến tiến độ. So với mức đầu tư trong nuôi thủy sản thì mức hỗ trợ theo Quyết định 142 và Thông tư 187 cho nông dân quá thấp. Sở Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản đề nghị Trung ương tăng mức hỗ trợ đối với diện tích lồng, bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 50% số lượng giống theo qui trình kỹ thuật nuôi do Bộ NN& PTNT ban hành; đối với giống cá tra hỗ trợ 2.000 đồng/con, tôm càng xanh Post 150 đồng/con và giống thủy sản khác 400 đồng/con; thiệt hại trên 70% hỗ trợ 100% con giống; bổ sung hai bệnh nguy hiểm là gan thận mủ trên cá tra và bệnh đục thân của tôm càng xanh vào danh sách các dịch bệnh nguy hiểm được hỗ trợ.

Có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kênh cấp, thoát và khu chứa bùn. Đối với cá tra thương phẩm, có chính sách miễn giảm thuế cho phần diện tích sử dụng làm hệ thống lắng, lọc phục vụ cho vùng nuôi (hiện nay đa số vùng nuôi chưa có hệ thống xử lý chung cho nước thải cũng như hệ thống ao lắng); đối với cá tra giống, đầu tư đê bao, hệ thống kênh cấp, thoát, hệ thống điện, vùng sản xuất cá tra tập trung. Hỗ trợ hoàn chỉnh đê bao tổng hệ thống kênh cấp - thoát độc lập, hệ thống điện phục vụ sản xuất tôm càng xanh.

Tỉnh cũng đề nghị thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ đàn cá tra bố mẹ có cải thiện di truyền để dần thay thế đàn cá địa phương hiện nay; Viện Nghiên cứu NTTS II sớm hỗ trợ đàn bố mẹ có chọn lọc để cung cấp cho các cơ sở sản xuất tôm càng xanh trong tỉnh; cần có chính sách kêu gọi đầu tư trung tâm, trại sản xuất giống tôm càng xanh đáp ứng nhu cầu nuôi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh; sớm chọn lọc các đàn cá bản địa có giá trị kinh tế như cá rô, lóc, sặc rằn, trê vàng; đầu tư nguồn vốn hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất giống hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và quy trình sản xuất.

AQ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn