Giúp nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn, hiệu quả

Cập nhật ngày: 16/06/2022 05:37:42

ĐTO - Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thiếu kiểm soát vừa khiến môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe nông dân trực tiếp sản xuất bị ảnh hưởng, vừa tác động xấu đến chất lượng nông sản xuất khẩu. Hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, Đồng Tháp đang xây dựng các mô hình hướng dẫn nông dân dùng thuốc BVTV đúng cách, an toàn, hiệu quả.


Mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Hợp tác xã  dịch vụ nông nghiệp Bình Thành

Thay đổi thói quen dùng thuốc BVTV của nông dân 

Đồng Tháp là tỉnh có diện tích lúa đứng thứ 3 cả nước và sở hữu diện tích cây ăn trái khá lớn. Vì vậy, hàng năm, người dân sử dụng một lượng lớn thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh. Theo báo cáo của Chi cục BVTV tỉnh, tổng lượng phân bón sử dụng là 350.642 tấn/năm, thuốc BVTV là 8.974 tấn/năm. Việc sử dụng phân, thuốc tràn lan khiến môi trường bị ô nhiễm, sức khỏe người nông dân bị ảnh hưởng, nông sản bị nhiễm dư lượng thuốc BVTV, không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, một thực trạng đáng lo hiện nay, với hơn 4.000 danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành kinh doanh trên thị trường khiến nông dân như rơi vào ma trận, chưa biết sử dụng như thế nào cho hợp lý. Mặt khác, ý thức sử dụng thuốc BVTV của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa tuân thủ nguyên tắc của các nhà quản lý, khiến việc sử dụng phân, thuốc không hiệu quả và giá trị nông sản chưa thực sự bền vững.

Trước thực trạng trên, nhằm giúp người nông dân sử dụng các loại thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) và Hiệp hội CropLife Việt Nam thực hiện chương trình hợp tác sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả trên lúa và hoa kiểng. Mục tiêu nhằm hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV tiết kiệm, an toàn và hiệu quả, ưu tiên sử dụng thuốc sinh học.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò là đơn vị được chọn triển khai dự án với diện tích khoảng 240ha, với giống lúa OM18. Tham gia chương trình, nông dân được cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh tổ chức tập huấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng cách); đặt 15 bể chứa thu gom bao, vỏ thuốc BVTV qua sử dụng ở bờ ruộng; tổ chức thu gom rác là các loại bao, vỏ thuốc BVTV qua sử dụng... Qua thực hiện chương trình, nông dân biết cách giảm bớt lượng giống gieo sạ, phun thuốc đúng quy trình, theo dõi tình hình dịch hại phát sinh trên cây lúa chặt chẽ. Khi có dịch hại xuất hiện mới phun thuốc theo đúng khuyến cáo của ngành chức năng.

Ông Cao Thọ Trường - Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành cho biết, qua 5 tháng triển khai thực hiện mô hình, nông dân tiết kiệm được 500.000 - 700.000 đồng/ha nhờ sử dụng thuốc BVTV đúng cách. Ngoài ra, chương trình còn giúp nâng cao kiến thức cho nông dân trong việc xử lý bao bì thuốc BVTV đúng quy định, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường từ sản xuất nông nghiệp.


Nông dân nâng cao ý thức, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật qua sử dụng

Lan tỏa mô hình

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp khẳng định, chương trình bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của nông dân tỉnh nhà trong việc sử dụng thuốc BVTV. Sự thay đổi nhỏ này mang lại giá trị rất lớn, đây là cơ sở để thực hiện lâu dài mục tiêu của chương trình. “Nông dân được trang bị kiến thức, được tư vấn, hỗ trợ sử dụng thuốc BVTV để làm nông nghiệp trách nhiệm hơn. Qua đó từng bước xây dựng được vùng sản xuất an toàn, từ đó nâng cao giá trị nông sản.

Theo ông Lê Quốc Điền, từ chương trình này, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện nhân rộng các mô hình, giải pháp tuyên truyền cho nông dân cách lựa chọn, sử dụng thuốc BVTV đúng cách, an toàn, hiệu quả trên lúa, hoa kiểng, cây ăn trái. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hạn chế thấp nhất tình trạng kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV độc hại, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Với mong muốn chương trình sẽ là mô hình điểm để nhân rộng sang các tỉnh, địa phương lân cận, ông Đặng Văn Bảo - Chủ tịch Hiệp hội CropLife Việt Nam cho biết, Đồng Tháp là một trong những tỉnh có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của cả nước. Do đó, mục tiêu của chương trình là vừa hỗ trợ nông dân Đồng Tháp về các nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV, phòng trừ dịch hại trên các cây trồng chủ lực một cách an toàn, hiệu quả, vừa đóng vai trò thí điểm để nhân rộng sang các tỉnh và địa phương lân cận. Từ đó, định hình vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn, bền vững cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, triển khai chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp và nhiều địa phương là nhiệm vụ tiên quyết của ngành BVTV. Chính vì vậy, thời gian tới, Cục BVTV sẽ nghiên cứu xây dựng các chương trình hướng dẫn, tuyên truyền với hình thức dễ hiểu đến người dân; xây dựng phần mềm quản lý sinh vật gây hại trên đồng ruộng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tận gốc mã số vùng trồng, thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường...

MN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn