Khởi nghiệp từ mứt atiso đỏ

Cập nhật ngày: 30/04/2022 06:29:37

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220430063022KN.mp3

 

ĐTO - Nhận thấy tiềm năng từ cây atiso đỏ, chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh (SN 1989) - chủ Cơ sở Ngọc Diện Thanh (ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung) đã thực hiện ý tưởng nhân rộng mô hình trồng và chế biến mứt từ loại cây này. Sản phẩm này bước đầu được thị trường đón nhận.


Chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh và sản phẩm mứt atiso đỏ

Sau khi tốt nghiệp tại Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), trải qua nhiều công việc, nhưng chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh vẫn mong muốn làm giàu từ những giá trị sẵn có tại quê hương. Nhận thấy cây atiso đỏ (cây bụp giấm) là loại cây có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương nhưng từ lâu bị lãng quên, chị Thanh đã nảy ra ý định chọn cây trồng này để thương mại hóa.

Bắt tay vào công việc, chị Thanh trồng thí điểm khoảng 1 công đất (1.000m2) với mật độ 800 - 900 cây. Sau thời gian trồng khoảng 3,5 tháng, cây cho thu hoạch hoa và kéo dài khoảng 3 tháng sau. Bông sau khi thu hoạch được chị sử dụng để chế biến thành sản phẩm mứt.

Theo chị Thanh, cây atiso đỏ là loại dễ trồng, nhẹ công chăm sóc. Trong quá trình canh tác, chỉ cần tưới nước đều đặn là cây có thể sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, do ít sâu bệnh nên sản phẩm sau khi thu hoạch đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bình quân mỗi cây cho năng suất từ 5kg bông. Đặc biệt, các bộ phận của cây atiso đỏ (thân cây, lá và hoa) đều có giá trị dinh dưỡng cao, giúp tăng cường khả năng miễn dịch cơ thể, trẻ hóa làn da; điều tiết cholesterol xấu trong máu, giảm huyết áp, các bệnh về tim mạch; ngăn ngừa xơ vữa động mạch, lão hóa...

Song, việc chế biến mứt từ loại cây này không hề đơn giản. Chị Thanh cho biết: “Để chế biến ra mứt atiso đỏ, phải trải qua nhiều quy trình khá công phu. Đầu tiên, hoa sau khi hái được rửa sạch, để khô tự nhiên, rồi đem vào lò sấy khoảng 4-5 tiếng, sau đó để nguội; tiếp đến là trộn đường đều và đến công đoạn đóng gói. Với khoảng 10kg hoa atiso tươi sẽ cho khoảng 3kg mứt thành phẩm, đóng thành gói 500gram và 1kg”.

Dù thành công làm ra sản phẩm, nhưng thời gian đầu khi đưa sản phẩm tiếp cận thị trường, bản thân chị Thanh gặp không ít khó khăn. Do đây là loại cây trồng mới, sản phẩm mứt atiso mới xuất hiện gần đây, mọi người chưa hiểu hết giá trị dinh dưỡng nên còn e ngại. Do đó, mỗi khi chào bán sản phẩm, chị Thanh phải tư vấn kỹ những tính năng, công dụng của sản phẩm cho người dùng hiểu. Dần dần, sản phẩm của chị được thị trường đón nhận, đầu ra được mở rộng.

Chị Thanh đang tích cực quảng bá sản phẩm tại các hội chợ giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo... Ngoài ra, chị còn xây dựng được nhiều kênh phân phối trực tiếp ở các điểm như: trạm dừng chân, cửa hàng tạp hóa, nhà thuốc, quán cà phê... trong và ngoài tỉnh, mỗi tháng cung ứng ra thị trường khoảng 1 tấn sản phẩm.

Về những dự định sắp tới, chị Thanh cho biết: “Tôi sẽ mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao sản lượng để cung cấp ra thị trường. Trước mắt, sẽ liên kết nông dân trong vùng mở rộng canh tác và bao tiêu sản phẩm theo quy trình kỹ thuật. Đồng thời tăng số lượng lao động, đa dạng sản phẩm, đầu tư mẫu mã, chất lượng, mở rộng thị trường tại các siêu thị, cửa hàng trong và ngoài tỉnh...”.

Với những phấn đấu, nỗ lực của bản thân, sản phẩm mứt atiso đỏ của chị Nguyễn Thị Mỹ Thanh đã đạt giải Nhì hội thi ý tưởng, sản phẩm khởi nghiệp huyện Lai Vung năm 2021. Đồng thời mứt atiso của Cơ sở Ngọc Diện Thanh cũng đạt chuẩn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2021.

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn