Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công

Cập nhật ngày: 15/08/2022 10:20:12

ĐTO - Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công (KC) và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) Đồng Tháp đã triển khai hiệu quả các chương trình KC nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cơ sở sản xuất tiếp cận các cơ hội phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.


Chương trình khuyến công đã giúp nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện trang bị máy móc thiết bị sản xuất

Thực hiện chương trình KC năm 2022, TTKC&TVPTCN Đồng Tháp tiếp nhận đơn đăng ký hỗ trợ từ 51 cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trung tâm tổ chức đoàn đến khảo sát tại các cơ sở đăng ký để tư vấn, hướng dẫn nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị phù hợp với quy trình sản xuất và hoàn chỉnh dự án đăng ký, làm cơ sở để trình hội đồng thẩm định đề án KC địa phương xem xét qua 3 đợt. Tính đến nay, có 8 đề án được xét duyệt (4 đề án nhóm), hỗ trợ cho 15 cơ sở, với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,7 tỷ đồng. Qua đó, Trung tâm đã tổ chức nghiệm thu đề án tại 3 cơ sở...

Triển khai các nội dung trên, thời gian qua, các Phòng Kinh tế, Kinh tế và Hạ tầng huyện, thành phố đã chủ động trong việc rà soát, hướng dẫn các cơ sở đăng ký hỗ trợ kinh phí KC. Đồng thời phối hợp tốt với Trung tâm trong quá trình khảo sát thực tế tại các cơ sở đã đăng ký. Qua khảo sát, đa số các cơ sở đều thấy được hiệu quả của việc đổi mới máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Về lĩnh vực tư vấn, Trung tâm tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của DN; tuyên truyền và giới thiệu những mô hình hay trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, được các DN quan tâm, áp dụng.

Từ tháng 4/2022, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Huỳnh Thi (TP Sa Đéc) được hỗ trợ 300 triệu đồng từ chương trình khuyến công địa phương để mua máy cắt fiber laser CNC. Qua đó, năng suất làm việc của cơ sở tăng lên gấp nhiều lần, khách hàng không chỉ ở TP Sa Đéc mà còn đến từ các vùng xung quanh như Vĩnh Long, TP Cần Thơ... Ông Huỳnh Văn Thi - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Huỳnh Thi cho biết: “Khi chưa trang bị máy móc hiện đại, mỗi khi gia công các vật dụng lớn, tôi phải gửi hàng đi các cơ sở ở TP Cần Thơ hay TP Hồ Chí Minh rất bất tiện. Từ khi được hỗ trợ kinh phí để mua máy móc, tôi có thể nhận những đơn hàng lớn và phức tạp hơn, do đó công việc làm ăn cũng thuận lợi hơn nhiều”.

Theo Trung tâm KC&TVPTCN Đồng Tháp, thời gian tới, sẽ tiếp tục triển khai các chương trình KC nhằm hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đầu tư máy móc, thiết bị mở rộng sản xuất, nâng cao nâng suất chất lượng sản phẩm. Trong đó, hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất như: giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thuận tiện việc sử dụng và bảo quản; tận dụng và phát huy các nguồn nguyên liệu sẵn có của địa phương, giúp tăng giá trị của nông sản, nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng chuyển từ lao động nông nghiệp có thu nhập thấp sang lao động ngành nghề có thu nhập cao hơn...

Trang Huỳnh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn