Nhận diện cơ hội và thách thức từ hiệp định CPTPP

Cập nhật ngày: 19/03/2019 13:19:52

ĐTO - Chiều 18/3, Sở Công Thương Đồng Tháp phối hợp với Cục xuất nhập khẩu - vụ chính sách thương mại Đa biên - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế năm 2019 cho các cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố và hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hội quán trên địa bàn tỉnh.


Bà Trịnh Thị Thu Huyền - Trưởng phòng xuất xứ hàng hoá, Cục xuất nhập Khẩu - Bộ Công Thương hướng dẫn về các thông tư, Nghị định CPTTP.

Tại hội nghị, các diễn giả đã thông tin đến đại biểu về các cơ hội, thách thức và một số khuyến nghị từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP); Thông tin về Thông tư 03/2019/TT-BCT về quy tắc xuất xứ CPTPP; Hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa và Thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/4/2018 của Bộ Công Thương quy định về xuất xứ hàng hoá.

Chương trình nhằm giúp cho các cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, HTX, hội quán có thêm kiến thức, hiểu biết các chính sách về quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, chủ động nắm bắt kịp thời những thông tin mới về các hiệp định kinh tế - thương mại; cơ hội, thách thức khi thực thi. Qua đó, nâng cao nhận thức và chủ động định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

Theo bà Võ Phương Thủy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp, để triển khai có hiệu quả hiệp định CPTPP, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đã ban hành nhiều kế hoạch để thực hiện hiệp định này. Riêng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương hoàn chỉnh dự thảo lấy ý kiến các ban, ngành liên quan và địa phương trình UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch để triển khai chương trình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được 11 nước thành viên sáng lập gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam ký kết hồi tháng 3/2018 tại Chile. Ngày 30/12/2018, Hiệp định CPTPP đã bắt đầu chính thức có hiệu lực với Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore - 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP .

Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.

Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.

Song song với việc mở ra nhiều cơ hội, các chuyên gia kinh tế nhận định, các thách thức của CPTPP với Việt Nam cũng không ít. Nhất là việc đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Bên cạnh đó, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia.

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn