Huyện Châu Thành

Nhiều khó khăn trong việc khống chế dịch bệnh chổi rồng trên nhãn

Cập nhật ngày: 10/10/2014 13:23:40

Trong những năm qua, huyện Châu Thành là địa phương chịu thiệt hại nặng do dịch bệnh chổi rồng trên nhãn. Bệnh chổi rồng gây hại làm giảm sản lượng hơn 50.000 tấn nhãn mỗi năm. Bằng nhiều biện pháp, các ngành chức năng có nhiều nỗ lực khống chế dịch bệnh nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.


Bệnh chổi rồng gây nhiều khó khăn cho người trồng nhãn tại huyện Châu Thành

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, tính đến hết quý 1/2014, tổng diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng của toàn huyện là hơn 2.900ha. Các địa phương bị ảnh hưởng bệnh nặng gồm: thị trấn Cái Tàu Hạ, xã An Nhơn, An Khánh, Tân Nhuận Đông, An Phú Thuận, Phú Hựu. Trong đó, tỉ lệ nhãn nhiễm bệnh dưới 30% chiếm diện tích 59,8ha, năng suất thu hoạch 10-12 tấn/ha; tỉ lệ nhiễm bệnh trung bình 30-70% chiếm diện tích 404,7ha, năng suất thu hoạch 8-10 tấn/ha; tỉ lệ nhiễm bệnh nặng trên 70%, chiếm diện tích trên 2.400ha, năng suất thu hoạch chỉ còn 500 - 800kg/ha.

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện, nhãn da bò chiếm trên 90% diện tích trồng và là đối tượng nhiễm bệnh chổi rồng nặng nhất, nhãn Edor và các loại nhãn khác chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, khoảng 5-10%. Trong năm qua, mặc dù ngành nông nghiệp huyện triển khai nhiều giải pháp để quản lý dịch bệnh, chủ yếu là áp dụng các biện pháp cắt tỉa, tiêu hủy cành bệnh, phun thuốc trừ nhện khi nhãn mới nhú đọt non 2-3cm, kết hợp phân bón lá, bón gốc đủ liều lượng giúp cây khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, còn khảo nghiệm một số loại thuốc sinh học phòng trừ nhằm phổ biến sâu rộng trong nhà vườn; hướng dẫn thực tế các giải pháp cụ thể để nhà vườn áp dụng... Tuy nhiên, việc khôi phục diện tích vườn nhãn bị bệnh chổi rồng chưa được nhiều nhà vườn quan tâm áp dụng nên hiệu quả mang lại không cao.

Nguyên nhân dẫn đến việc chậm khôi phục là do chi phí phòng trị bệnh vượt quá khả năng của nông dân (khoảng 60 triệu đồng - 65 triệu đồng/ha). Ngoài ra, việc kéo dài thời điểm cắt tỉa dẫn đến tình trạng nhãn ra đọt không đồng loạt, kéo theo công tác xử lý phun thuốc trừ nhện hiệu quả chưa cao. Những nơi tập trung nhiều diện tích, số lượng cây nhãn bị nhiễm bệnh chỉ rải rác ở từng hộ gia đình nên chưa được kiểm soát chặt chẽ về công tác phòng trị. Hầu hết các vườn nhãn hiện tại đều được nhà vườn xử lý ra hoa rải vụ nên nhãn có nhiều giai đoạn khác nhau (vườn vừa thu hoạch xong, vườn đang cho trái, vườn đang trái non, đang ra hoa...). Do vậy, việc vệ sinh cắt bỏ cành bệnh chưa thật triệt để, điều kiện lưu tồn và phát tán mầm bệnh có nguy cơ cao.

Theo ông Phạm Văn Tâm - Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, để hạn chế lây lan dịch bệnh, Trạm sẽ phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, điều tra diễn biến của bệnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức cụ thể như tập huấn, hội thảo, nhân rộng mô hình chuyển đổi hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu các biện pháp quản lý dịch bệnh mang tính hiệu quả và bền vững hơn, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất diện tích tái nhiễm. Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với UBND huyện xây dựng Dự án đầu tư chuyển đổi vườn tạp, vườn nhãn da bò bị nhiễm bệnh chổi rồng sang trồng cây ăn trái khác có hiệu quả. Dự kiến triển khai từ năm 2015-2018.

Nhật Khánh

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn