Phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp theo hướng bền vững

Cập nhật ngày: 28/02/2022 10:12:16

ĐTO - Phát triển doanh nghiệp (DN) và thúc đẩy khởi nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm và động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Trên tinh thần đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021-2025.


Sản phẩm khởi nghiệp khô cá đồng của Cơ sở sản xuất khô cá đồng thiên nhiên Phan Chao được thị trường ưa chuộng

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quan điểm chỉ đạo các nghị quyết của Đảng và Nhà nước về phát triển DN; củng cố niềm tin của DN, doanh nhân, khơi thông các điểm nghẽn, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Theo đó, phát triển DN cả về số lượng, năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững gắn với các đề án, chương trình trọng tâm của tỉnh; chú trọng phát triển DN đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ gắn với kinh tế tuần hoàn để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa. Từng bước nâng tỷ lệ DN đang hoạt động trên số dân trong độ tuổi lao động đạt nhóm khá của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời nhanh chóng hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, giá trị tài nguyên bản địa. Xem khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khâu đột phá; phấn đấu đưa tỉnh Đồng Tháp trở thành nơi hấp dẫn, thu hút cộng đồng khởi nghiệp hàng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hướng tới sự phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Kế hoạch đề ra các chỉ tiêu phấn đấu. Giai đoạn 2021 - 2025 phát triển ít nhất 3.000 DN, đến năm 2025 có ít nhất 5.300 DN thực tế đang hoạt động. Bình quân trong giai đoạn 2021 - 2025, khu vực DN đóng góp từ 26 - 27% vào GRDP của tỉnh; đóng góp 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đến năm 2025, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP ít nhất 35%. Hàng năm giải quyết việc làm cho ít nhất 36.000 lao động.

Hàng năm, có ít nhất 30 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 hoặc 4 sao. Đến năm 2025, tỉnh có ít nhất 295 sản phẩm OCOP đạt 3 sao hoặc 4 sao và có ít nhất 15 sản phẩm OCOP đạt 5 sao. Hỗ trợ đào tạo cho khoảng 1.000 lượt người/năm về quản trị DN và khởi sự DN. Đến năm 2025, hỗ trợ phát triển ít nhất 20 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thuộc nhóm “Rất tốt” trên bảng xếp hạng của cả nước; Chỉ số Cải cách hành chính (PAR INDEX) thuộc “Nhóm B” cả nước; Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm “Cao nhất” cả nước...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, trong giai đoạn qua, đóng góp của DN vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh khá ấn tượng. Đối với hoạt động khởi nghiệp của Đồng Tháp bước đầu đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra nhiều dòng sản phẩm mới.

Phát triển DN và thúc đẩy khởi nghiệp là 1 trong 5 đột phá chiến lược phát triển của tỉnh giai đoạn 2021–2025, ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; phát huy vai trò, tính chủ động, sáng tạo của DN, doanh nhân, thúc đẩy các thành phần kinh tế đầu tư tạo nền tảng phát triển lực lượng DN. Đồng thời triển khai kết hợp chương trình trọng điểm của tỉnh... nhằm phát huy các nguồn lực, tạo sức mạnh lớn giúp các DN, DN khởi nghiệp phát triển, vươn lên lớn mạnh...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn