Phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn, bền vững

Cập nhật ngày: 24/03/2022 10:37:33

ĐTO - Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sản xuất vụ hè thu, thu đông 2022 hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất cây trồng theo hướng an toàn, bền vững, tập trung thành vùng có quy mô, sản xuất hàng hóa lớn, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Đồng thời cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo hướng giảm dần diện tích sản xuất lúa hè thu tại các huyện đầu nguồn có nguy cơ thiếu nước tưới; bố trí sản xuất vụ thu đông ở các vùng có đê bao bảo vệ ăn chắc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích.


Trồng hoa kiểng kết hợp với du lịch mang lại lợi nhuận cao cho nông dân. 
Ảnh: Nhật Khánh

Theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn Đồng Tháp, từ tháng 2-5/2022, nhiệt độ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ khoảng 0,20C. Nhiệt độ cao nhất xuất hiện cuối tháng 4 đầu tháng 5/2022 ở mức 35 - 370C. Bên cạnh đó, mực nước các nơi trong tỉnh ở mức xấp xỉ và thấp hơn TBNN khoảng từ 0,2-0,3m. Vì vậy, cần chủ động đối phó với tình hình khô hạn, thiếu nước trong mùa khô 2021 - 2022.

Theo Sở NN&PTNT, dự báo thị trường năm 2022 có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo bởi nhu cầu của thế giới tăng. Đáng chú ý là chất lượng gạo của Việt Nam được người tiêu dùng trên nhiều nước ưa chuộng. Trước những thông tin tích cực từ thị trường xuất khẩu gạo, dự báo giá bán lúa trên đồng đối với tất cả các nhóm giống ở mức ổn định và có khả năng tăng nhẹ.

Với những dự báo trên, tỉnh đề ra một số chỉ tiêu sản xuất vụ hè thu, thu đông năm 2022. Theo đó, diện tích gieo trồng lúa vụ hè thu là 186.000ha, năng suất bình quân đạt 64 tạ/ha, sản lượng là 1,191 triệu tấn. Diện tích gieo trồng lúa vụ thu đông là 115.000ha, năng suất bình quân đạt 57 tạ/ha, sản lượng 655,3 ngàn tấn. Bên cạnh đó, tổng diện tích gieo trồng hoa màu cây công nghiệp ngắn ngày năm 2022 đạt 34.000ha; tổng diện tích cây lâu năm là 40.611ha; xác lập đăng ký mã vùng trồng thêm 43.350ha; diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2022 khoảng 8.992ha. Phấn đấu trong năm 2022, thực hiện rải vụ xoài với tổng diện tích 7.000ha từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau.

Để thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ hè thu, thu đông năm 2022, đối với cây lúa, Sở NN&PTNT yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2021-2022, hè thu 2022 để tiêu diệt các mầm bệnh trên đồng ruộng, giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ. Đồng thời xây dựng và bố trí lịch thời vụ theo hướng xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy, thu hoạch vụ thu đông an toàn trước lũ và bảo đảm tốt liên kết tiêu thụ; bảo đảm phải có thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất 3 tuần.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch. Hướng dẫn nông dân tổ chức sản xuất gắn với các doanh nghiệp để tiêu thụ, khuyến khích mở rộng diện tích hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày trong vụ hè thu.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo các cơ sở sản xuất giống cây ăn trái, sản xuất cây giống từ nguồn cây đầu dòng, chất lượng cao, đặc sản ở địa phương như xoài cát chu, cát hòa lộc... Đối với các khu vực đê bao vững chắc, vùng gò cao, cù lao có thể chuyển 2 lúa - 1 màu, 1 lúa - 2 màu, hoặc 1 lúa - 1 thủy sản, 1 lúa - 1 màu (chuyển thành 2 vụ) nhưng cho giá trị, lợi nhuận cao hơn sản xuất 3 vụ lúa.

Đối với giải pháp về giống, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, giống chất lượng cao, thích nghi với điều kiện đất địa phương, năng suất cao và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh chủ yếu. Riêng giống hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâu năm, cần tổ chức khảo nghiệm, xây dựng các mô hình, điểm trình diễn giống mới, giống chất lượng cao, kháng sâu bệnh để khuyến cáo trong sản xuất.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời tổ chức sản xuất và xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất tiêu thụ, xây dựng các vùng nguyên liệu cung ứng theo yêu cầu thị trường, phân khúc thị trường, đa dạng hóa sản phẩm (gạo đặc sản, an toàn, hữu cơ, có thương hiệu, dầu cám...) nhằm gia tăng giá trị trong chuỗi sản xuất. Mặt khác, củng cố, hỗ trợ, tạo điều kiện thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tại các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung lớn...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn