Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong:

Phối hợp tốt nhất để xây dựng thành công mô hình Làng thông minh

Cập nhật ngày: 21/05/2022 12:25:54

ĐTO - Sáng nay (21/5), UBND tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện đề tài: “Nghiên cứu xây dựng mô hình Làng thông minh phát triển từ hội quán nông dân tại Đồng Tháp (gọi tắt đề tài “Làng thông minh”), do Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn chủ trì.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị

Đề tài Làng thông minh được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phê duyệt; Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) tổ chức chủ trì; PGS. TS. Thoại Nam – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến liên ngành, Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ nhiệm nhiệm vụ với thời gian thực hiện 30 tháng, từ tháng 11/2020 đến tháng 4/2023. Tổng kinh phí thực hiện 15,9 tỷ đồng, trong đó, từ ngân sách Trung ương 12 tỷ đồng, từ ngân sách địa phương hơn 2,8 tỷ đồng, từ nguồn khác 1 tỷ đồng.

Theo chủ nhiệm đề tài, giai đoạn từ tháng 1/2021 đến 6/2022 việc triển khai thực hiện đề tài đạt nhiều kết quả. Trong đó, có việc nghiên cứu xây dựng Bộ tiêu chí và cấu trúc mô hình Làng thông minh phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội trong nước được thực hiện thông qua nghiên cứu phân tích mô hình hội quán nông dân tại xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) hướng đến ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất và kinh doanh hiệu quả sản phẩm địa phương và đề xuất mô hình Làng thông minh phát triển trên mô hình hội quán nông dân. Bộ tiêu chí Làng thông minh thừa hưởng kết quả và kinh nghiệm triển khai liên quan trên thế giới, mô hình hội quán nông dân tại Đồng Tháp, thực tế triển khai tại Thuận Tân Hội quán và Tâm Quê Hội quán - xã Tân Thuận Tây và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (nông thôn mới nâng cao) giai đoạn 2021-2025 theo quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022. Bộ tiêu chí Làng thông minh đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và lấy ý kiến góp ý của địa phương. Ngoài ra, đơn vị chủ trì đề tài đang triển khai hệ thống lưu trữ và phân tích dữ liệu trung tâm cho mô hình Làng thông minh; nghiên cứu phân tích và thiết kế Cổng thông tin đã được thực hiện;…

Nhóm làm đề tài đã có trên 10 lần chính thức làm việc với địa phương về kế hoạch, địa bàn triển khai, khảo sát chuyên môn sâu cho từng công việc và triển khai thực tế công việc trong năm 2020, 2021 và đặc biệt là các tháng đầu năm 2022.

Sở KHCN đề nghị, đơn vị chủ trì khẩn trương hoàn thiện các chuyên đề hỗ trợ như: tiêu chí và cấu trúc mô hình Làng thông minh; thiết kế kiến trúc tổng thể cho mô hình Làng thông minh; cấu trúc hệ thống lưu trữ và phân tích dữ liệu trung tâm cho mô hình Làng thông minh; cấu trúc cổng thông tin điện tử,… để tổ chức thẩm định, hoàn thiện sản phẩm theo quy định, làm tài liệu phục vụ công tác nghiệm thu đề tài.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong, thực hiện đề tài trên nền tảng số, nên các đơn vị liên quan, các ngành, địa phương cần có nhiều đóng góp nghiêm túc, trách nhiệm để mô hình Làng thông minh hình thành phải có hiệu quả thiết thực cho người dân, quản trị tốt hơn. Nhóm nghiên cứu nên định vị mô hình gắn với thế mạnh, tiềm năng hội quán, từ đó đặt ra tiêu chí phù hợp, tạo ra tính khác biệt giữa làng thông minh và tiêu chí nông thôn mới. Đây là đề tài khó, có nhiều nội dung nên nhóm nghiên cứu và tổ công tác của tỉnh phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện các bước tiếp theo, đảm bảo khi đề tài đưa vào ứng dụng không chỉ có hiệu quả trước mắt mà còn làm nền tảng phát triển cho tương lai, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số ở nông thôn. Trong đó, có giải pháp để người dân trong “Làng thông minh” có kỹ năng, tích cực học tập để ứng dụng thiết bị thông minh trong sản xuất, đời sống…

Thành Nam

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn