Tăng cường phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong thời điểm giao mùa

Cập nhật ngày: 01/10/2021 16:19:01

ĐTO - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp vừa có văn bản gửi đến các huyện, thành phố về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm.


Người chăn nuôi cần chú ý phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

Theo Sở NN&PTNT, tính đến ngày 22/9/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 ổ dịch Cúm gia cầm trên gà với trên 25.000 con gà bị tiêu hủy; 8 ổ dịch dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) với tổng đàn bệnh 358 con heo. Ngành nông nghiệp cũng ghi nhận một trường hợp bệnh dại trên chó và một ca tử vong trên người mắc bệnh dại lâm sàng. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh ghi nhận 239 hộ chăn nuôi có bò, trâu mắc bệnh Viêm da nổi cục, với số lượng 400 con bệnh/tổng đàn 1.996 con (chiếm tỷ lệ 20,3% tổng đàn).

Trước những diễn biến phức tạp của một số loại dịch bệnh gây hại cho đàn vật nuôi, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp về tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật; chấn chỉnh công tác quản lý chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh và các giải pháp tăng đàn, tái đàn gắn với tái cơ cấu chăn nuôi heo sau dịch bệnh DTHCP; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đề nghị các huyện, thành phố cần tăng cường tuyên truyền đến cộng đồng, khu dân cư, khu vực biên giới về sự nguy hiểm của dịch bệnh động vật. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tái đàn, tăng đàn heo theo hướng bền vững.

Đối với các địa phương có dịch bệnh động vật (Cúm gia cầm, DTHCP, Viêm da nổi cục,…) cần tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn, UBND cấp xã đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm nhất là bệnh Viêm da nổi cục và Cúm gia cầm đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trong diện tiêm phòng. Tăng cường kiểm tra vịt chạy đồng kết hợp với công tác giám sát dịch bệnh tại địa bàn nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý ngăn ngừa dịch bệnh tái phát và lây lan trên diện rộng.

Sở NN&PTNT cũng yêu cầu Chi Cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản cần phối hợp chặt chẽ với sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định. Bên cạnh đó, thường xuyên lấy mẫu giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh Cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với vi-rút Cúm gia cầm. Chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, hóa chất, cung ứng đầy đủ và sẵn sàng trong công tác phòng, chống dịch; hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ quan chuyên môn cấp huyện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kịp thời ngăn chặn, xử lý ổ bệnh động vật phát sinh; kịp thời đề xuất các giải pháp để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật đạt hiệu quả.

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn