Tháo gỡ khó khăn để ngành hàng cá tra phục hồi hậu Covid-19

Cập nhật ngày: 30/09/2021 10:54:21

http://baodongthap.com.vn/database/video/20210930020439mobifone_audio_1632985349003.mp3

ĐTO - Với kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trên 2 tỷ USD, sản xuất và chế biến cá tra xuất khẩu được xem là ngành kinh tế mũi nhọn tại nhiều tỉnh, thành của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên thời gian qua, dưới những tác động tiêu cực từ làn sóng lần thứ tư của dịch Covid-19 khiến “ngành hàng tỉ đô” này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Để phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL, tại cuộc họp cuối tuần qua với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các doanh nghiệp (DN) và Hiệp hội ngành hàng cá tra kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ để ngành hàng cá tra phục hồi nhanh sau đại dịch.


Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã có nhiều tác động tiêu cực đến ngành hàng cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long

CHUỖI NGÀNH HÀNG CÁ TRA CHAO ĐẢO VÌ DỊCH COVID-19

Từ giữa tháng 7 đến nay, tất cả các tỉnh ĐBSCL áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Điều này gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản, trong đó ngành hàng cá tra thiệt hại rất lớn. Theo Tổng Cục Thủy sản, tính đến ngày 15/9, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.516ha, chỉ bằng 74,3% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng tháng 7 và tháng 8 (2 tháng thực hiện giãn cách xã hội) diện tích thả nuôi giảm 50-55% so với trước khi thực hiện giãn cách xã hội và giảm 25,9- 33,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đi kèm với việc giảm diện tích thả nuôi, sản lượng cá tra thu hoạch cũng không ngừng giảm mạnh. Tính đến giữa tháng 9/2021, sản lượng cá tra thu hoạch đạt 932.000 tấn, chỉ bằng 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin tại hội nghị trực tuyến về “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội” do Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuối tuần qua, ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, dưới những tác động tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, cả DN chế biến và người nuôi cá tra xuất khẩu đều phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do giãn cách xã hội và các qui định nghiêm ngặt hạn chế đi lại làm đứt gãy chuỗi cung ứng từ nuôi cá thịt đến nhà máy chế biến. Cá nguyên liệu không thu hoạch kịp dẫn đến quá cỡ, ứ đọng dưới ao, giảm chất lượng; các chi phí đầu vào đều tăng đột biến, khiến giá thành nuôi tăng rất cao. Về phía DN, do năng suất sản xuất giảm mạnh cộng với chi phí bảo đảm an toàn cho sản xuất “3 tại chỗ” tăng từ 30-70% là cản trở lớn cho các DN quay lại sản xuất, nhất là các DN vừa và nhỏ.

Tính đến đầu tháng 9/2021, có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại 5 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm 49%), số lao động phải nghỉ việc do dịch bệnh khoảng trên 70%. Theo dự báo, với việc đứt gãy chuỗi sản xuất của ngành hàng cá tra hiện nay, tình hình sản xuất của ngành hàng này trong quý IV sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn.

KIẾN NGHỊ CÁC GIẢI PHÁP PHỤC HỒI NGÀNH HÀNG CÁ TRA

Mặc dù do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra có nhiều khó khăn, nhưng những tháng gần đây, một số thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng lạc quan trở lại.

Theo bà Tô Tường Lan - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) thông tin, kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 8 giảm 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá tra tăng 8,8% so với năm 2020. Kết quả trên là nhờ sự tăng trưởng mạnh của một số thị trường như Nga tăng 113%, Ai Cập tăng 87%, Brazil tăng 75%, Comlubia tăng 65%, Mỹ tăng 45%... Dự báo nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều quốc gia đang tăng lên, đặc biệt là sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Hiện các thị trường nhập khẩu có dấu hiệu phục hồi trở lại, tuy nhiên với tình hình hiện nay, khả năng nhiều DN sẽ không dám nhận những đơn hàng mới bởi DN còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố. Do đó, VASEP đề xuất, cần điều chỉnh linh hoạt các qui định chống dịch và phương án phục hồi kinh tế. Trong đó, đề xuất Chính phủ tạo cơ chế thông thoáng, thống nhất giữa các tỉnh có nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu để việc đi lại chăm sóc thả giống của người nuôi được tiếp tục thuận lợi. Thay thế phương án “3 tại chỗ” bằng những phương án hiệu quả hơn nhằm giảm chi phí và tạo sự an toàn, tâm lý an tâm cho người lao động làm việc. Đồng thời cho phép các nhà máy có số lượng lao động tiêm 2 mũi vắc-xin đạt trên 60%, có năng lực quản lý kiểm soát dịch tốt trong 3 tháng qua, thực hiện tốt y tế tại chỗ đảm bảo các biện pháp chống dịch và điều kiện nhà xưởng, đảm bảo qui định của Bộ Y tế được mở rộng qui mô tối đa (không khống chế số lượng)...

Để có thể phục hồi và phát triển bền vững ngành hàng cá tra hậu đại dịch, các DN cho rằng cần tạo điều kiện để người lao động tham gia trong chuỗi sản xuất ngành hàng cá tra được tiêm phòng vắc-xin ngừa Covid-19. Đây sẽ là một trong những “chìa khóa” quan trọng để có thể sớm phục hồi và có thể tận dụng được những cơ hội xuất khẩu khi một số thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam đang bắt đầu đặt hàng trở lại.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cho rằng, nhằm tạo sự thuận lợi cho việc sản xuất và xuất khẩu cá tra phục hồi, DN rất cần sự đồng hành và hỗ trợ từ Nhà nước. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành đang có nhà máy chế biến và vùng nuôi cá tra xuất khẩu cũng cần có kế hoạch nhất quán trong quy định về phòng, chống dịch để DN có thể dễ dàng vận hành chuỗi sản xuất tại địa phương. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các DN cũng rất cần một chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc hỗ trợ lãi suất cũng như vốn vay để DN thuận lợi hơn trong việc tái khởi động sau dịch Covid-19.

Tiếp thu và lắng nghe những ý kiến đề xuất của các hiệp hội và DN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, phục hồi và phát triển chuỗi ngành hàng cá tra là một trong những mục tiêu quan trọng được Bộ NN&PTNT quan tâm. Tuy nhiên, vấn đề phục hồi ngành hàng này không phải là nhiệm vụ riêng của bất kỳ tỉnh, thành nào tại khu vực ĐBSCL hay của riêng cộng đồng DN. Đây là trách nhiệm chung của cả chính quyền, DN và cả người nông dân. Để có thể nhanh chóng bắt nhịp phát triển nhanh sau dịch Covid-19, các tỉnh cần phải đoàn kết và cùng tìm ra giải pháp để cùng DN tháo gỡ, vướng mắc. Bộ NN&PTNT sẽ xem xét và tổng hợp các kiến nghị của DN đồng thời thực hiện vai trò điều phối, kết nối 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL trong việc tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ ngành hàng cá tra phát triển...

MỸ LÝ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn