Tiếp tục duy trì, nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 02/10/2021 09:39:27

http://baodongthap.com.vn/database/video/20211002094414nongthonmoi2021.mp3

ĐTO - Hướng đến xây dựng nông thôn là nơi đáng sống, thời gian qua, Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới với nhiều cách làm hiệu quả, nâng cao tính chủ thể của người dân. Đồng thời tiếp tục duy trì nâng chất các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.


Người dân trồng hoa, cây xanh tạo cảnh quan cho khu vực nông thôn (ảnh tư liệu)

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Đến nay, toàn tỉnh có 97/115 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 84,34%. Nhằm hoàn thiện dần các tiêu chí hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đầu tư hỗ trợ cho địa phương để xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình hạ tầng nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng hóa và phục vụ dân sinh với tổng vốn hỗ trợ là 980,179 tỷ đồng.

Nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng nông thôn mới. Với định hướng đó, thời gian qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp tiên tiến 4.0, gắn sản xuất với tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu nông sản. Từ đó, góp phần gia tăng giá trị nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Hướng đến khai thác giá trị nông nghiệp theo chiều sâu, Đồng Tháp đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất. Trong những tháng đầu năm, tỉnh thực hiện 17 đề tài, dự án trên địa bàn tỉnh, nhằm mục đích thực hiện tiêu chí số 10, 12, 13, 17 và 18 để phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Kinh tế hợp tác có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, góp phần hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo lợi ích của các chủ thể tham gia từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Trên tinh thần đó, tỉnh tập trung củng cố và nâng cao năng lực cho các tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp như hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục phát triển các Câu lạc bộ Thanh niên làm kinh tế, mô hình hội quán gắn với từng ngành hàng đặc trưng của địa phương.

Công tác chăm lo an sinh xã hội và giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo; các chính sách an sinh xã hội và chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn... được lồng ghép triển khai đồng bộ, kịp thời. Các hoạt động tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường được tổ chức thường xuyên, thông qua nhiều các mô hình thiết thực với tiêu chí “An toàn, xanh, sạch, đẹp”. Bên cạnh đó, chất lượng đời sống văn hóa của người dân tiếp tục được nâng cao, an ninh trật tự tiếp tục được giữ vững.

Nâng chất các tiêu chí

Hướng đến xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững và đáng sống, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới do ngành phụ trách. Đặc biệt là các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2016 để kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh và thực hiện nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Thời gian qua, các địa phương cơ bản thực hiện tốt việc duy trì và nâng chất các tiêu chí nông thôn mới theo Quyết định 379/QĐ-UBND-HC của UBND tỉnh. Qua đánh giá có 86/97 xã duy trì đạt 19/19 tiêu chí, các xã còn lại duy trì đạt từ 16-18 tiêu chí.

Theo bà Trần Thị Quý – Chủ tịch UBND huyện Tháp Mười, một trong những nhiệm vụ cốt lõi của địa phương là xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao. Địa phương đẩy mạnh duy trì, nâng chất bảo vệ các tiêu chí đạt được, phấn đấu thực hiện các tiêu chí gần đạt. Đối với tiêu chí thu nhập hiện nay rất khó thực hiện. Dù khó khăn nhưng với tiềm năng sẵn có, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã, tập trung nghiên cứu mô hình hiệu quả kiểu mẫu để nhân rộng, tăng giá tị sản xuất kêu gọi đầu tư vào chế biến nông sản.

Tuy nhiên, việc duy trì và giữ vững các tiêu chí đạt được đang là thách thức đối với các địa phương. Cụ thể, các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ nông thôn... qua thời gian sử dụng sẽ hao mòn, hư hỏng trong khi nguồn lực các xã, huyện để duy tu, sửa chữa còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân ít quan tâm đến lợi ích chung của cộng đồng dân cư nên chưa đồng thuận chủ trương hiến đất làm đường.

Đối với những tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, văn hóa, quốc phòng và an ninh, môi trường, hệ thống chính trị... phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan, ý thức của người dân. Hiện nay, bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều nội dung bổ sung, điều chỉnh với mức cao hơn, đòi hỏi các địa phương phải có sự tập trung chỉ đạo thực hiện với sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng. Cụ thể như: tiêu chí về hộ nghèo áp dụng đánh giá từ đơn chiều sang đa chiều, tỷ lệ đạt từ mức # 7% giảm xuống còn # 4%; tiêu chí về thu nhập mỗi năm tăng bình quân khoảng 4 triệu đồng/năm. Đối với tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm là chỉ tiêu mới liên quan đến 3 ngành y tế, nông nghiệp, công thương. Quy định này dẫn đến các xã mất nhiều thời gian trong khâu xác định, cập nhật số liệu và hoàn chỉnh, bổ sung hồ sơ minh chứng cũng như duy trì tiêu chí.

Tiêu chí về an ninh trật tự quy định khi xảy ra trọng án trên địa bàn, địa phương đó sẽ không được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không phân biệt đối tượng gây án, mâu thuẫn phát sinh vụ án xuất phát từ nơi khác. Điều kiện này gây khó khăn trong việc duy trì nâng chất tiêu chí.

Hiện nay, đa số thu nhập của người dân các địa phương chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong khi giá vật tư, nông sản luôn biến động, thiên tai - dịch bệnh thường xuyên đe dọa, thị trường tiêu thụ không ổn định nên ảnh hưởng nhiều đến mức thu nhập của người nông dân. Đối với khu vực kinh tế hợp tác, thời gian qua, các hợp tác xã chậm được củng cố và nâng cao năng lực quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường, chưa mở rộng nhiều dịch vụ. Hiện nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt như mong đợi. Nguyên nhân do một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan với sức khỏe, chưa thấy hết được lợi ích và ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế. Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp tuy được tập trung thực hiện từ huyện đến xã nhưng còn thiếu sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Trước những kết quả đạt được và những khó khăn tồn tại, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện duy trì, nâng chất đến năm 2025 các chỉ tiêu, tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Mục tiêu của kế hoạch là duy trì, nâng chất, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiêu chí đối với các xã được công nhận nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2020. Đảm bảo sau thời gian công nhận phải tiếp tục phấn đấu, cập nhật đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí hiện hành.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, giải quyết tất cả các tiêu chí trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trên tinh thần đó, các ngành, địa phương cần vào cuộc mạnh hơn bằng các giải pháp, giúp người dân thay đổi nhận thức tự vươn lên trong xây dựng nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu...

Y DU

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn