Tình hình sản xuất quí I còn nhiều khó khăn

Cập nhật ngày: 30/04/2014 09:33:33

Theo nhận định của UBND tỉnh, tăng trưởng kinh tế quý I của tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển, tuy nhiên sự tăng trưởng chưa cao. Trước những tín hiệu chưa khả quan, sẽ khó khăn cho tình hình sản xuất của địa phương trong thời gian sau...

Theo Sở Công Thương, quý I tuy có nhiều dấu hiệu lạc quan về lãi suất ngân hàng liên tục giảm, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, cạnh tranh thị trường xuất khẩu gay gắt dẫn đến tình hình sản xuất công nghiệp trong quý I chưa có nhiều chuyển biến, sản xuất tiêu thụ tăng chậm, điều này sẽ rất khó khăn trong việc đạt những tiêu chí theo kế hoạch đề ra.

Theo thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 3.300 tỷ đồng, tăng 1,27% so với cùng kỳ năm 2013. Mức tăng này được đánh giá là thấp hơn mức tăng 2,17% của quý I/2013 và thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 12,88% của quý I/2012.

Một trong những ngành hàng chiếm tỉ trọng lớn là chế biến thức ăn chăn nuôi nhưng lại giảm. Trong khi đó, ngành chế biến cá tra chiếm hơn 50% giá trị toàn ngành có sự tăng trưởng mạnh.

Ông Nhị Văn Khải - Giám đốc Sở Công Thương nhận định: “Mặc dù chế biến thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh, hơn 11% so cùng kỳ năm 2013 nhưng góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của toàn ngành đạt được 1,27% là do sản lượng chế biến cá tra đạt gần 45.000 tấn, tăng hơn 9%. Nguyên do, phần lớn các doanh nghiệp chế biến của tỉnh đã chủ động được vùng nuôi, giữ được uy tín với khách hàng nên đầu ra ổn định, ngoài ra các doanh nghiệp còn tích cực mở thêm các thị trường mới ở châu Á và Trung Đông, đa dạng hóa sản phẩm”.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Hùng Cá chia sẻ: “Trong quý I, sản xuất của công ty có những tín hiệu khá tốt, tăng trưởng hơn 15% so với cùng kì năm 2013. Đạt được kết quả như vậy là do công ty chủ động được nguồn nguyên liệu và tìm được những thị trường giàu tiềm năng”.

Tình hình xuất khẩu trong quý I lại giảm, ước tính đạt 177,5 triệu USD, giảm 6,0% so với cùng kỳ năm trước (giảm khoảng 11 triệu USD). Nếu không tính hàng tạm nhập tái xuất thì kim ngạch xuất khẩu quý I/2014 chỉ đạt 116 triệu USD, bằng 78,42% so với cùng kỳ năm 2013.

Ngoại trừ sản phẩm thuỷ sản chế biến có giá trị xuất tăng 4,3% và sản phẩm may có giá trị xuất khẩu tăng 3,7%, các mặt hàng xuất khẩu chính còn lại đều có giá trị xuất khẩu giảm hoặc không tăng so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giảm nhiều nhất là mặt hàng gạo, giá trị xuất khẩu chỉ đạt 78,0% so với cùng kỳ năm trước.

Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, lúa vụ đông xuân không mấy thuận lợi, giá lúa giảm sâu. Theo Cục Thống kê, nguyên nhân là do Thái Lan bán ra lượng hàng tồn kho lớn với giá thấp nên các doanh nghiệp xuất khẩu hạn chế mua vào vì sợ không ký được hợp đồng xuất khẩu, dẫn đến giá lúa giảm mạnh.

Khi giá lúa xuống thấp, tình hình tiêu thụ gặp nhiều khó khăn dẫn đến sự đỗ vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Theo thống kê, số lượng thực hiện hợp đồng mới chỉ bằng 60% so với trước đây. Theo Sở Công Thương, đến gần cuối tháng 3, trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp xuất khẩu gạo kí hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa gạo với địa phương với diện tích 16.700ha. Tuy nhiên, chỉ có 11 doanh nghiệp thực hiện thu mua theo hợp đồng.

Đối với việc liên kết sản xuất, trong buổi họp báo kinh tế - xã hội quý I, ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các ngành, địa phương cần đồng hành tháo gỡ những khó khăn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp để liên kết đạt kết quả tốt hơn... Theo đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nông dân đồng hành trong liên kết sản xuất...

K.D

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn