Trách nhiệm xã hội, sân chơi nhân văn của doanh nghiệp trong đại dịch

Cập nhật ngày: 05/09/2021 06:15:53

ĐTO - Trách nhiệm xã hội (CSR – Corporate Social Responsibility) không còn dừng lại ở các hoạt động thiện nguyện, trao quà cho người có hoàn cảnh khó khăn mà chúng ta vẫn thấy các doanh nghiệp hay làm. CSR trong bối cảnh đại dịch bùng phát đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài...


Sản phẩm tinh dầu của Công ty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp

Dám gánh trách nhiệm xã hội, dễ lấy niềm tin người tiêu dùng

“Người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm của các công ty có uy tín về CSR”, bà Joyce Chau - Giám đốc Asia Pacific, đại diện Hiệp hội Thương mại tự do (Amfori) tại Bỉ cho biết. Theo bà Joyce Chau, thế hệ trẻ chiếm hàng ngàn tỷ đô la trong nguồn lực mua sắm toàn cầu. Đây là thế hệ có nhận thức mạnh mẽ về CSR của doanh nghiệp.

Lâu nay, “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh” đã trở thành loại sản phẩm chế biến giá trị gia tăng của Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Việt - Đức (VietDuc Food Technology), vừa khắc phục được khó khăn khi xuất hàng tươi vừa tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác bảo quản, vận chuyển, phân phối ở nước ngoài. VietDuc Food Technology áp dụng công nghệ tối ưu, tự động hóa của Đức giữ nguyên vẹn hương vị, màu sắc tự nhiên của nguyên liệu được trồng theo phương pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Theo ông Võ Phát Triển - Giám đốc VietDuc Food Technology (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), sản phẩm xoài sấy dẻo của công ty đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Năm nay, tuy đại dịch Covid-19 hoành hành nhưng công ty vẫn giữ được nhịp độ xuất khẩu với Ucraina, Đức, Nhật... Tháng 4/2021, thêm một lô trái cây sấy dẻo của công ty được xuất sang CHLB Nga. Đối tác có nhân sự giám sát tiêu chuẩn tại Việt Nam, rành rẽ đặc điểm vùng nguyên liệu, tập quán canh tác, mua bán, tiêu dùng... Tuy bận bịu với dự án phát triển xưởng mới sơ chế thêm mỗi ngày 18 tấn trái cây cho nhà máy, nhưng VietDuc Food Technology vẫn đẩy mạnh hoạt động giao tiếp, chào bán, tiếp cận thị trường trong nước để hiểu vì sao trái cây nhiệt đới sấy dẻo được ưa chuộng ở các nước. Tiếp cận thị trường khó tính, tất cả hàng hóa phải đi theo tiêu chuẩn, từ giấy chứng nhận tới các đánh giá về lao động, nhà xưởng, nguyên liệu an toàn, trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội. Nếu doanh nghiệp làm tốt CSR sẽ giúp tăng cường niềm tin đối với người tiêu dùng.

Thông điệp tạo hiệu ứng trong mùa dịch

Can Tho Farm là mô hình nông nghiệp đô thị của một thầy giáo tên Nguyễn Văn Phong, diện tích 7.000m2, đầu tư hơn 5 tỷ đồng ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đối với nhiều gia đình ở nội ô, các trường học muốn dạy trẻ những kiến thức về đời sống cây trồng, cách làm nông trong đô thị hay trực tiếp gieo trồng và hàng tuần ghé lại trông nom rau trái, rồi đem ra bếp nông trại làm salad hoặc mang về nhà chế biến món ăn... Can Tho Farm là nơi lý tưởng cho chương trình giáo dục thực hành nông nghiệp tốt. Đây là khu thực nghiệm linh hoạt tại nội ô Cần Thơ, dấu ấn của nông nghiệp đô thị hướng tới đa mục tiêu: vui chơi- học hỏi - liên kết chuỗi trồng trọt chế biến và thu hút gia đình vui cuối tuần.

Anh Phong cho biết, các tỉnh ở miền Tây thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hoạt động của trại cũng vì thế mà buộc phải chuyển hướng để thích nghi. Anh kết hợp với một số bạn bè ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh để làm các “combo” hàng thiết yếu (rau củ, thịt, trứng, trái cây), farm “đi chợ dùm” thông qua việc đặt hàng trên mạng và giao hàng tận nơi cho khách hàng.

Mỗi ngày, khi theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng là trong lòng cảm thấy bất an về vấn đề sức khỏe. Chị Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp (TP Hồng Ngự) làm dung dịch sát khuẩn để tặng cho khách hàng, người dân. Không chỉ vậy, những ngày giãn cách xã hội, chị Minh Thùy quyết định giảm giá 10-15% cho các đơn hàng nằm ở vùng dịch; miễn phí giao hàng đối với các loại tinh dầu của công ty. Trước đây, khi chưa khai thác internet để làm truyền thông, không ít người chỉ nghe loáng thoáng về Hương Đồng Tháp. Sau khi tận dụng lợi thế internet, không chỉ hình ảnh, chính sách bán hàng mà nhiều người có thể nhân diện thương hiệu Hương Đồng Tháp dễ dàng hơn, cập nhật được thay đổi kịp thời hơn. Đặc biệt, khi quảng bá hình ảnh trên kênh Lazada, Shoppee thì việc tìm kiếm khách hàng và nhà phân phối từ nhiều địa điểm cũng thuận lợi hơn.

Hiện nay, xu hướng tiếp thị thị giác nên hình ảnh trên kênh Tiktok và Youtube nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng, Hương Đồng Tháp đã làm nhiều video để minh bạch hóa quy trình sản xuất, nguồn nguyên vật liệu tự nhiên trên những kênh này. Theo chị Minh Thùy, việc tích cực hỗ trợ khách hàng các mẹo vặt để giữ sức khỏe, sống khỏe, sống thuận tự nhiên trong mùa dịch đã tạo hiệu ứng rất tốt.

Cũng như chị Minh Thùy, ở huyện Tam Nông Đồng Tháp có chị Nguyễn Thúy Kiều – Giám đốc Công ty TNHH MTV Ba Tre chia sẻ, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh nên việc buôn bán khó khăn, công ty luôn cố gắng giữ giá bình ổn và tặng, công ty cũng tặng quà cho khách. Đặc biệt, chị Kiều đã mạnh dạn làm thêm các sản phẩm đặc sản địa phương như khô, mắm, dưa món... để đa dạng sản phẩm trong mùa dịch này. Những sản phẩm chủ lực từ sen như trà sen, hạt sen, củ sen, lá sen sấy, sữa sen... chị Kiều kết hợp với các đơn vị khác của tỉnh để lấy hàng về làm những bộ sản phẩm tiết kiệm trong mùa dịch. Những hạt sen gần gũi, quen thuộc với người nông dân Đồng Tháp, Ba Tre đã tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng, không chỉ tạo nên một thương hiệu mà còn tạo nên cái nhìn mới mẻ, khác biệt về sản phẩm nông nghiệp và tạo thêm công ăn việc cho người dân địa phương.

Nguyệt Đỗ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn