Những rào cản trong tiếp cận chăm sóc y tế của người khuyết tật

Cập nhật ngày: 24/11/2021 16:36:10

Sức khỏe là vốn quý giá nhất của con người, quyền có sức khỏe và không có sự phân biệt đối xử được đề cập trong nhiều tài liệu khác nhau. Mỗi người chúng ta sinh ra đều có quyền sức khỏe như nhau bao gồm cả người khuyết tật (NKT), không có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, niềm tin chính trị, các điều kiện kinh tế và xã hội. Công ước Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật (CRPD) cũng nhận định rằng: “NKT có quyền được có sức khỏe ở điều kiện tốt nhất, trong đó không có sự phân biệt về khuyết tật”. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có nhiều trường hợp NKT thường có tình trạng sức khỏe yếu hơn so với phần đông dân số khác và phải đối mặt với nhiều thách thức để có thể đạt được quyền có sức khỏe của mình.

Khi nhắc đến quyền có sức khỏe, chúng ta không chỉ hiểu đơn giản là việc được tiếp cận dịch vụ y tế mà còn là việc được tiếp cận đến các yếu tố xã hội liên quan đến sức khỏe như: nước uống, điều kiện nước sạch sinh hoạt và nhà ở. Quyền sức khỏe nội hàm cả tự do lựa chọn các phương pháp điều trị y học mà mình mong muốn và được phép làm điều cần thiết như tham gia vào hệ thống chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, quyền được dự phòng, điều trị và kiểm soát bệnh tật, tiếp cận các thuốc thiết yếu để có sức khỏe, quyết định liên quan đến vấn đề sức khỏe.

Sức khỏe theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới là “một trạng thái thoải mái về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh hay tật”. Sức khỏe là nguồn lực giá trị giúp cho con người làm chủ bản thân mình, xã hội và đời sống kinh tế, cho họ sự tự do làm việc, học tập và tham gia tích cực vào hoạt động gia đình, đời sống cộng đồng. Đối với NKT, sức khỏe lại còn ý nghĩa hơn, bởi hầu hết những khiếm khuyết trên cơ thể ảnh hướng rất lớn đến mọi mặt trong đời sống, nhất là những khuyết tật làm ảnh hưởng sức khỏe hạn chế khả năng lao động dẫn đến không có việc làm tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình, từ đó hình thành lối suy nghĩ mình là gánh nặng cho gia đình xã hội mặc cảm, tự ti, khó hòa nhập với cộng đồng.

Từ lúc được sinh ra cho đến hết vòng đời, NKT cũng cần các dịch vụ y tế trong chăm sóc sức khỏe cho các giai đoạn khác nhau như bao nhiêu người không khuyết tật khác. Họ không chỉ cần các dịch y tế cho các vấn đề sức khỏe có liên quan đến khiếm khuyết trên cơ thể mà cũng cần tất cả những dịch vụ chăm sóc khác để nâng cao chất lượng cuộc sống hơn.

Tình trạng sức khỏe kém của NKT không phải lúc nào cũng là kết quả trực tiếp từ khuyết tật của họ mà có liên quan nhiều đến những khó khăn trong việc tiếp cận dịch vụ và các chương trình y tế của NKT. Theo ước tính chỉ có tỷ lệ phần trăm rất nhỏ NKT ở các nước có thu nhập thấp được tiếp cận phục hồi chức năng và các dịch vụ cơ bản phù hợp. Các rào cản mà NKT và gia đình họ phải đối mặt trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể là:

Rào cản về chính sách: thiếu các chính sách hoặc các chính sách không phù hợp – ngay cả ở nơi chính sách được ban hành thì các chính sách cũng có thể không được triển khai thực hiện đúng, không có chế tài và vẫn có thể tồn tại sự phân biệt đối xử với NKT trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế.

Rào cản kinh tế: các can thiệp y tế như việc đánh giá, điều trị và sử dụng thuốc thường đòi hỏi NKT phải tự trả thêm các khoản chi phí, gây khó khăn cho họ và gia đình, những người vốn thu nhập đã bị hạn chế.

Rào cản về địa lý và môi trường vật lý: thiếu các phương tiện vận chuyển và các công trình xây dựng công cộng cho NKT có điều kiện tiếp cận là những ví dụ về các rào cản thường thấy, hay điều kiện hạn hẹp về nguồn lực y tế tại vùng nông thôn (nơi phần đa số NKT sống) và khoảng cách quá xa từ khu dân cư đến nơi cung cấp dịch vụ tại các thành phố lớn cũng là các rào cản quan trọng.

Rào cản về thông tin và truyền thông: việc liên hệ và giao tiếp giữa NKT với nhân viên y tế có thể khó khăn, chẳng hạn, một người bị khiếm thính có thể gặp khó khăn khi tiếp xúc và làm cho nhân viên y tế hiểu được cách ra dấu của mình, hay việc không có các bức tranh minh họa để giúp cho người có khuyết tật về trí tuệ có thể giao tiếp với cán bộ y tế, thậm chí NKT không tiếp nhận được các thông tin có lợi cho sức khỏe do sống ở nơi hẻo lánh hay gặp ở những người khiếm thính.

Thái độ không đúng và kiến thức hạn chế của cán bộ y tế về NKT: nhân viên y tế có thể có những quan điểm, thái độ không đúng đắn, định kiến hoặc không tinh tế để nhận thức, hiểu biết và kỹ năng xử lý các vấn đề sức khỏe liên quan đến khuyết tật.

Sự hạn chế về kiến thức và thái độ của chính NKT cùng gia đình về các vấn đề sức khỏe chung cũng như các dịch vụ: NKT có thể không biết các nơi cung cấp dịch vụ; rất nhiều NKT cũng như gia đình họ không có kiến thức về quyền lợi, các vấn đề sức khỏe cũng như dịch vụ nào có sẵn.

Một số NKT có thể dễ bị tổn thương hơn khi bị phân biệt đối xử và dễ bị cô lập hơn so với người khác. Họ có thể bị yếm thế gấp đôi hay nhiều lần bởi các nguyên nhân như dạng tật mắc phải, tuổi, giới hay các tình trạng xã hội vì vậy sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Chính vì thế NKT cần được sự quan tâm nhiều từ cộng đồng xã hội, về phía Chính phủ cần có nhiều chính sách thực tế, khả thi, đầy đủ, dễ tiếp cận hơn để NKT được chăm sóc một cách toàn diện.

Mỹ Hạnh/TTKSBT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn