Cần thay đổi tên gọi mô hình Câu lạc bộ hoàn lương để thu hút người tham gia

Cập nhật ngày: 04/08/2022 15:16:01

ĐTO-Ngày 4/8, ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh cùng đoàn công tác đến huyện Tháp Mười khảo sát kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về tạm giữ, tạm giam, đặc xá, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, miễn chấp hành án phạt tù và mô hình Câu lạc bộ người hoàn lương.

Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại xã Trường Xuân. Năm 2020, xã thành lập Câu lạc bộ người hoàn lương và hỗ trợ vốn vay cho các thành viên có nhu cầu. Hiện địa phương tiếp nhận, quản lý 13 đối tượng chấp hành xong hình phạt tù về; trong đó, có 4 người được hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc, 1 người được vay vốn để sản xuất kinh doanh ổn định cuộc sống.


Lãnh đạo Công an huyện Tháp Mười báo cáo kết quả thực hiện
mô hình Câu lạc bộ người hoàn lương

Thời gian qua, Công an huyện Tháp Mười đảm bảo thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân. Số người chấp hành xong án phạt tù về địa bàn huyện là 117 người. Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện tiếp nhận 26 hồ sơ (17 hồ sơ án treo, 6 hồ sơ tha tù trước thời hạn, 3 hồ sơ hoãn thi hành án). Qua công tác quản lý, giám sát, giáo dục 25 đối tượng thi hành án tại cộng đồng, đa số đều chấp hành tốt pháp luật, chấp hành nghĩa vụ của người chấp hành án, có 1 trường hợp bỏ địa phương đến nay chưa về.

Ngoài ra, Công an huyện còn tăng cường phối hợp với các ban, ngành huyện và UBND các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật, đồng thời cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù. Đồng thời, Công an huyện đã lập 7 hồ sơ xét, đề nghị Hội đồng quản lý Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng tỉnh cho các đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương vay vốn, tổng số tiền 260 triệu đồng.


Ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc với huyện Tháp Mười

Công an huyện Tháp Mười kiến nghị tỉnh cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo điều kiện cho đối tượng hoàn lương dễ tiếp cận việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, triển khai nhiều mô hình mới phù với từng đối tượng. Bên cạnh đó, sớm cho ý kiến xử lý trường hợp người được hưởng án treo bỏ đi khỏi địa phương, bổ sung đối tượng vay vốn là người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện công tác quản lý giam giữ tại Nhà tạm giữ, cần sửa đổi cách thức hoạt động mô hình “Câu lạc bộ người hoàn lương” hoặc thay đổi tên mô hình hay thay thế mô hình khác để thu hút nhiều người tham gia.

NGUYỄN LONG

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn