Đại biểu Phạm Văn Hòa đóng góp nhiều ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Cập nhật ngày: 29/10/2021 18:11:22

ĐTO - Trong chương trình kỳ họp thứ 2, sáng ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Tham gia thảo luận về dự án Luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến chính sách phát triển; hệ thống cơ sở dữ liệu kinh doanh bảo hiểm; Bảo hiểm vi mô và một số nội dung khác…


Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến về dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi)

Cụ thể, Về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Luật cần nêu cụ thể, rõ ràng các chính sách về cơ chế, tài chính, nhân lực, thủ tục đăng ký kinh doanh để dễ thực hiện sau này. Liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu, đại biểu Hòa thống nhất Nhà nước đầu tư cơ sở dữ liệu để quản lý, Doanh nghiệp (DN) bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp thông tin bên mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm. Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị Luật nên qui định thêm DN kinh doanh bảo hiểm bắt buộc phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để cùng Nhà nước thực hiện. Vì để phục vụ cho hoạt động bảo hiểm, DN phải dự trử các dữ liệu kinh doanh, cho nên phải đóng góp tài chính. Không thể Nhà nước đầu tư 100% . Tỷ lệ bao nhiêu sẽ do Chính phủ qui định.

Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm điều 7 khoản 1 qui định "dịch vụ bảo hiểm qua biên giới theo điều ước quốc tế”, đại biểu Hòa nhất trí, nhưng đề xuất cần có qui định rõ ràng, tránh trường hợp bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài thông qua loại hình bảo hiểm này một cách hợp pháp. Nhà nước không quản lý được.

Theo đại biểu Hòa, việc quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo luật là rất cần thiết, mang tính nhân văn, hướng đến đối tượng yếu thế trong xã hội, bao phủ bảo hiểm rộng khắp đến các đối tượng trong xã hội được tham gia và hưởng các chính sách, quyền lợi từ bảo hiểm. Nếu loại hình này đến được các đối tượng có thu nhập thấp, đối tượng yếu thế sẽ góp phần hỗ trợ, bảo vệ họ trước những khó khăn, rũi ro. Tuy nhiên, việc quy định như dự thảo Luật dường như chưa thực sự thúc đẩy, khích lệ được các DN kinh doanh bảo hiểm để phát triển lĩnh vực này. Trên thực tế qua 16 năm thực hiện Nghị định 18 /2005/NĐ-CP ngày 24/2/2005 của Chính phủ, chưa có tổ chức bảo hiểm nào thành lập. Cần đánh giá để tìm hiểu nguyên nhân, chứ vẫn còn qui định trong Luật mà vẫn không có DN bảo hiểm thành lập. Như vậy Luật sẽ chưa hiệu quả. Ngoài ra, trong thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị định 57 về bảo hiểm nông nghiêp, nông dân không mặn mà loại hình này, vì có những qui định  ràng buộc, nông dân thấy không có lợi, DN bảo hiểm trong hợp đồng cũng nêu những điều kiện có lợi cho DN, chưa thấy có lợi cho nông dân, nên bị bế tắc, triển khai cho nông dân không được hưởng ứng. Nước ta hằng năm điều xãy ra bảo lũ, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp trên các lĩnh vực không hề nhỏ, cho nên việc bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp rất cần thiết, cho nên cần nghiên cứu khả thi, cho loại hình này, cốt làm sao cho đôi bên cùng có lợi, DN dịch vụ bảo hiểm và nông dân thoả thuận tham gia.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất việc thành lập Quỹ dự trữ bắt buộc trích hằng năm theo tỷ lệ 5% và các quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế, nhằm để bảo vệ người được bảo hiểm. Việc có cho DN được sử dụng Quỹ dự trữ hay không? cũng cần làm rõ, theo đại biểu Hòa nên linh động cho DN sử dụng quỹ để quỹ ngày càng phát triển.

Đối với hiệu lực thi hành Luật, theo đại biểu Hòa thời gian thi hành Luật là vào ngày 1/7/2023 là quá chậm nên ông nhất trí với thẩm tra là hiệu lực 1/1/2023. Trong thời gian này cần gấp rút các văn bản hướng dẫn cụ thể, chứ không thể có Luật rồi lại chưa có hướng dẫn sẽ khó thực hiện.

K.N

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn