Lễ giỗ lần thứ 86 cụ Nguyễn Quang Diêu

Cập nhật ngày: 13/06/2022 13:37:40

ĐTO - Ngày 13/6, tại Khu di tích mộ cụ Nguyễn Quang Diêu (ấp Tân Chủ, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh), UBND xã Tân Thuận Tây long trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 86 cụ Nguyễn Quang Diêu. Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện sở, ban, ngành tỉnh; đại diện Thành ủy, UBND TP Cao Lãnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP Cao Lãnh và đông đảo người dân, học sinh đã đến dự.


Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng niệm tại mộ cụ Nguyễn Quang Diêu

Trong không khí ấm áp của lễ giỗ, các đại biểu đã cùng ôn lại thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của cụ Nguyễn Quang Diêu. Đồng thời thực hiện nghi thức dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính, ghi nhớ công lao to lớn của cụ đối với quê hương, đất nước. Lễ giỗ cụ Nguyễn Quang Diêu diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/6/2022 (nhằm ngày 14 và 15/5 âm lịch năm Nhâm Dần).

Đây là hoạt động được UBND xã Tân Thuận Tây duy trì tổ chức hàng năm nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, ghi nhớ công lao của cụ Nguyễn Quang Diêu đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và giáo dục thế hệ trẻ truyền thống yêu nước, hiếu học và lòng tự hào dân tộc.

Cụ Nguyễn Quang Diêu sinh năm Canh Thìn (1880) tự là Tử Ngọc, hiệu Cảnh Sơn (hay Nam Sơn) người thôn Tân Thuận Tây, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh), xuất thân trong gia đình nho học, yêu nước.

Năm 1907, cụ tham gia phong trào Đông Du với tư cách một cổ động viên, vận động thanh niên sang Nhật du học, quyên góp ủng hộ phong trào. Cụ góp phần đưa vùng Cao Lãnh trở thành một trong những nơi có phong trào Đông Du mạnh ở miền Nam.

Tháng 5/1913, cụ dẫn đầu một phái đoàn sang Hồng Kông hoạt động và bị địch bắt giam. Sau đó, cụ đã vượt ngục và tham gia hoạt động cách mạng sôi nổi. Cuối năm 1926, cụ bí mật về hoạt động trong nước. Sau thời gian hoạt động ở Sài Gòn, cụ tới Sa Đéc vào đầu năm 1927 và được sự hỗ trợ nhiệt tình của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ Võ Hoành. Các tỉnh miền Tây nhất là Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Châu, Châu Đốc,… là những nơi cụ thường tới để tuyên truyền, giáo dục quần chúng và tạo được nhiều cơ sở cách mạng.

Năm 1930, được một số hương chức làng Vĩnh Hòa (Tân Châu) giúp đỡ, cụ đã mở trường dạy học ở đây và hướng học trò đi theo con đường cách mạng. Ngày 15/5 năm Canh Tý (1936), cụ lâm bệnh, qua đời và được án táng tại làng Vĩnh Hòa. Năm 1989, cụ Nguyễn Quang Diêu được cải táng về quê nhà.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn