Những bài thơ không vần

Cập nhật ngày: 15/11/2016 05:52:09

Quyển sách không dày, nhưng tôi đọc từ đầu mùa Thu đến giờ mới khép lại. Mỗi lần chỉ đọc vài trang. Cảm giác muốn dừng lại, trôi chậm rãi trên dòng chảy chữ nghĩa với “Nỗi buồn trong suốt” của Nguyễn Đức Phú Thọ. (*)

Với tôi, dường như tuyển tập này không hẳn là tản văn. Hình như đó là những bài thơ không vần điệu. Hình như đó là những tình khúc bolero vừa cũ xưa, vừa mới mẻ - vẳng ngân bởi tiếng ghi ta mộc mạc từ cửa sổ nhà ai đó. Hình như đó còn là những bức tranh với gam màu lạnh, bày trong một căn phòng kín đáo. Ánh sáng vừa đủ cho mọi thứ ngưng đọng, thinh lặng ở đó... Mỗi khi lần giở những trang viết trong tuyển tập này đều cho tôi cảm giác vừa quen, vừa lạ. Tôi đọc khi an yên và tĩnh lặng. Chậm. Thiệt chậm, để kịp lắng nghe những hoài vọng và cả những cảm nhận mơ hồ như gió thoảng qua...

Hồi trước, đã từng vỡ òa với “Khi người ta trẻ” của nhà văn Phan Thị Vàng Anh. Đã từng chênh chao, thảng thốt với “Bắt trẻ đồng xanh” của J.D. Salinger. Hay như gần đây, chợt băn khoăn, lạ lẫm với “Quẩn quanh trong tổ” của Phan An. Và, ở đây, giữa “Nỗi buồn trong suốt”, tôi như được trở về miền thanh xuân đôi mươi xa lắc. Đã đi qua những tháng năm tuổi trẻ với nhiều khát vọng, hoài bão nồng nàn và cả những hoang hoải, cô đơn. Tôi như được ngồi bên và nghe tác giả thì thầm kể những câu chuyện rất thật. 30 đoản “Thư muộn” và 30 tản văn nhỏ nhắn, dung dị, riêng tư. Mỗi tựa đề đều thấy gợi trong đó ít nhiều chất thơ.

Những trang “Thư muộn” bàng bạc nỗi buồn. Câu chuyện của “tôi” và “K” được tác giả kể theo lối mô phỏng tiểu thuyết tâm lý ngắn. Mạch truyện dẫn ta qua những ngọt lành, nồng nàn, trong trẻo của tình yêu đầu đời. Và, ở đó còn có không gian, thời gian đượm buồn, khắc khoải, chênh chao. Mỗi mùa họ từng chung nhau, mỗi nơi họ từng in dấu chân mình đều đẹp – dẫu rười rượi buồn. Như tựa đề quyển sách, người đọc cảm nhận rằng nỗi buồn ẩn sau những trang văn của Thọ lắng trong, thanh khiết, không lẫn vào những xô bồ thường nhật. Dường như, trong miền thanh xuân riêng mình, ai cũng từng có những câu chuyện hằn sâu hoài niệm như vậy.

Không bàng bạc như “Thư muộn”, 30 tản văn còn lại cô đọng và đa sắc màu. Cảm nhận của một người trẻ thị thành tinh tế, sắc sảo và không giấu được những trăn trở ngọt lành. Ở đó, giữa thênh thang phố rộng ngày dài, cảm giác cô đơn không ít lần gọi về, thổn thức. “Có phải tình yêu mang đến niềm cô độc? Con người lớn để tìm thấy nhau, chạm vào tình yêu để nuôi lớn niềm cô độc?” - Ở tản văn mở đầu, tác giả tự hỏi mình như thế. Và, trong dòng kết tản văn “Trầm”, Thọ viết: “ Quán tên Trầm. Là nơi dù cứng chật không gian, người vẫn cố dặn mình ngồi lại. Để mơ xanh”. Mỗi tản văn, dẫu vui hay buồn, đều có những chiêm nghiệm lắng sâu bằng tâm thức của một người trẻ.

“Tôi chợt nhớ tiếng chim gù gọi bạn. Cũng ở chính nơi này. Cuộc đời mỗi người, mỗi thời khắc đi không trở lại. Tôi sẽ dần xa tôi mãi? Hay chính tôi phía trước đợi chờ?” - Vẫn còn đó những khắc khoải trong tản văn kết thúc tuyển tập. “Dưới vòm cây hoa giấy, tôi ngồi” - Nguyễn Đức Phú Thọ đã gạn đi những nốt trầm và pha thêm những gam màu sáng, ấm, long lanh hơi thở cuộc sống.

Tôi không hiểu nhiều về tuổi trẻ hôm nay. Lại càng không thể chia sẻ, đồng điệu hết những bàng bạc trong tập tản văn này. Nhưng tôi đủ tin và trân quý trạng thái tâm lý tuổi đôi mươi qua những trang thơ không vần điệu của cây bút trẻ này. Và, tôi cũng tin, những người trẻ biết cảm nhận nỗi buồn thanh trong, nhân ái sẽ tìm thấy những bình minh rộn ràng, tươi đẹp trong hành trình sống mà họ đang bước đi.

Vẫn đợi chờ những tác phẩm mới của cây bút trẻ An Giang. Với thơ, Nguyễn Đức Phú Thọ đã có những tác phẩm đi vào lòng người bằng tình yêu quê hương, xứ sở. Với văn xuôi, tin rằng tác giả sẽ tiếp tục góp thêm những trang viết mang đậm chất thơ như tập tản văn này.

(*) Tản văn, NXB Hội Nhà Văn, phát hành năm 2016.

ĐÌNH THẢO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn