Văn học, nghệ thuật có nhiều phát triển

Cập nhật ngày: 07/09/2016 16:15:27

ĐTO - Cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới, ngày 9/12/2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 214. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực thực hiện đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung của nền VHNT Việt Nam.


Một cuộc triển lãm ảnh tại Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh

Những năm qua, tỉnh luôn chú trọng việc xây dựng tổ chức, quy hoạch và đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển VHNT. Tại Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2012 - 2017, Hội VHNT được đổi tên thành Hội Liên hiệp VHNT; Ban Chấp hành tăng số lượng từ 15 lên 25 người. Với vai trò phát hiện, bồi dưỡng, tuyển chọn tài năng, tập hợp, quy tụ văn nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu VHNT, Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh hiện có trên 400 hội viên tham gia hoạt động ở 8 chuyên ngành: văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, văn nghệ dân gian, điện ảnh - truyền hình và kiến trúc. 5 Hội VHNT cấp huyện gồm các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Châu Thành, TX.Hồng Ngự và TP.Cao Lãnh, đã thu hút hội viên và cộng tác viên sinh hoạt thường xuyên tại các câu lạc bộ.

Việc giới thiệu tác giả, phổ biến, quảng bá các tác phẩm VHNT được chú trọng, mỗi năm, giới thiệu hàng ngàn tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm đạt giải cao của khu vực, quốc gia và quốc tế (khu vực 75 giải, quốc gia 67 giải, quốc tế 6 giải), phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và các chủ trương lớn của tỉnh như: tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch; có 45 đầu sách gồm nhiều thể loại: văn, thơ, ca khúc, ca cổ, kịch, sách ảnh, văn hóa dân gian đã được xuất bản.

Các hoạt động triển lãm tranh ảnh, thư pháp, thư họa và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn thường xuyên được tổ chức, góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người, thiên nhiên và sắc thái văn hóa đặc trưng của Đồng Tháp. Đặc biệt, Giải thưởng VHNT Nguyễn Quang Diêu định kỳ 5 năm/lần đã khuyến khích lực lượng văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về quê hương, con người Đồng Tháp.

Tỉnh đã tạo cơ chế, hỗ trợ kinh phí cho Hội Liên hiệp VHNT tổ chức nhiều trại, lớp sáng tác, tọa đàm, hội thảo; đầu tư theo chiều sâu và đặt hàng các tác phẩm có chất lượng cao về đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh.

Công tác xây dựng và phát triển VHNT ở các địa phương, đơn vị có sự thay đổi tích cực, đã chú trọng lồng ghép các hoạt động VHNT với hoạt động chuyên môn...

Một số hạn chế trong phát triển VHNT thời gian quan là mức đầu tư ngân sách cho lĩnh vực VHNT chưa nhiều; trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho thiết chế VHNT ở cơ sở còn thiếu; một số chính sách về lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác VHNT còn thấp, thiếu tính động viên, khuyến khích; khâu sáng tác, phổ biến và tiêu thụ tác phẩm chưa đồng bộ; số lượng và chất lượng tác phẩm chưa tương xứng, chưa nhiều sáng tác đạt giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; số lượng tác giả tiêu biểu ở một số lĩnh vực chuyên ngành còn ít, tác phẩm đạt chất lượng cao chưa đồng đều ở các loại hình;... Nguyên nhân của những hạn chế là do nhận thức của lãnh đạo các địa phương, đơn vị về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của VHNT tuy được nâng lên nhưng vẫn còn một số hạn chế nhất định; nhiều đơn vị, địa phương chưa quan tâm đến việc xây dựng và phát triển VHNT, còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện, chỉ dừng lại ở công tác học tập, quán triệt mà chưa xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể hóa Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Đề án phát triển VHNT của UBND.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết Chương trình hành động số 214 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, khóa VIII (22/8), Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Tôn Hoàng nhấn mạnh: Tập trung hơn nữa nguồn lực để xây dựng và phát triển VHNT của tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, chủ trương, những giải pháp xây dựng và phát triển VHNT của Bộ Chính trị. Tăng cường và mở rộng sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp và người dân để phát huy giá trị, công năng của các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng...

TN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn