Ngày Quốc tế Hạnh phúc đầu tiên ở Việt Nam

“Yêu thương và chia sẻ”

Cập nhật ngày: 19/03/2014 02:36:02

Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, đồng thời hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc được tổ chức trên thế giới (20/3), năm nay, lần đầu tiên, nước ta chính thức hưởng ứng và tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. “Yêu thương và chia sẽ” là chủ đề của ngày Quốc tế hạnh phúc năm nay nhằm hướng tới mục tiêu hành động vì gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và cùng tạo ra môi trường sống, làm việc ngày càng hạnh phúc hơn.


Niềm hạnh phúc của thầy, cô giáo khi học trò cài hoa thể hiện sự tri ân

Tháng 6/2012, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố chọn ngày 20/3 hàng năm làm Ngày Quốc tế Hạnh phúc; 193 nước thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết sẽ ủng hộ ngày này bằng các nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho người dân. Ngày Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng của Bhutan, một quốc gia nhỏ bé nằm sâu trong lục địa miền Đông Himalaya, vốn là nước có chỉ số đánh giá hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố: sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Bhutan là quốc gia đã ghi nhận uy thế của hạnh phúc quốc gia hơn là thu nhập quốc gia từ những năm đầu tiên của thập kỷ 70 thế kỷ 20 và nổi tiếng với việc thực thi mục tiêu tổng hạnh phúc quốc gia thay gì tổng sản phẩm quốc nội.

Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ, cũng là biểu tượng của sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực. Bởi vậy ngày 20/3 - Ngày Quốc tế Hạnh phúc - cũng truyền tải thông điệp rằng “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”.

Việt Nam ta tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 vì đất nước ta là một quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử, do đó không hề xa lạ với mục tiêu hạnh phúc. Kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945 (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đến nay, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia. Thực tế các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, đều nhằm thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Tại Đồng Tháp, hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngành chức năng đã xây dựng đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm”, hướng dẫn các cấp, các ngành hưởng ứng và tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2014; tổ chức các hoạt động hội thảo, hội nghị, tập huấn, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, các hình thức phù hợp khác về hạnh phúc nói chung, hạnh phúc của người Việt Nam nói riêng, bao gồm hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình, hạnh phúc dòng họ, hạnh phúc cộng đồng, hạnh phúc nghề nghiệp, hạnh phúc học đường, hạnh phúc trong hoạt động xã hội và các vấn đề liên quan.

Thông qua đó, tuyên truyền về lịch sử và ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3; chủ trương, chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về an sinh xã hội; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; nêu gương người tốt, việc tốt, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc và phê phán những biểu hiện, hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình; khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

Trong đời sống của xã hội, hạnh phúc là cái đích đến trong cuộc đời của mỗi người và con người dù ở giai đoạn lịch sử nào cũng luôn đi tìm hạnh phúc, đều ước muốn mình được hạnh phúc. Tuy nhiên, muốn tạo dựng hạnh phúc cho con người phải có trách nhiệm của từng cá nhân. Nhà nước đóng vai trò tạo ra các cơ chế, chính sách, còn cá nhân từng người dân cũng cần phải tự nỗ lực để mang đến hạnh phúc cho chính bản thân mình. Vì vậy, cùng với cả nước, mỗi người dân trên Đồng Tháp hãy phấn đấu thể hiện bằng hành động có ý nghĩa nhất cho gia đình mình và cho quê hương trong giai đoạn hiện nay. Gương mẫu chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua; xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Điều đó biểu hiện sự nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, nhằm đem lại hạnh phúc cho bản thân mình, cho mọi người, gia đình và cả cộng đồng.

Đồng Dao

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn