Cháy nhà còn khổ hơn bị trộm cướp

Cập nhật ngày: 13/09/2022 12:56:14

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220913125643dt2-1.mp3

 

ĐTO - Cháy nhà còn khổ hơn bị trộm cướp. Bởi khi cháy nhà, chẳng những không còn đôi đũa ăn cơm mà có thể còn thiệt hại cả tính mạng.

Thời gian qua, nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng về người và của.

Ngày 1/11/2016, quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội cháy làm 13 người chết, mặt tiền 4 ngôi nhà cùng nhiều tài sản bị thiêu rụi.

Ngày 1/8/2022, quán karaoke 231 phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy bốc cháy, 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) anh dũng hy sinh.

Mới đây, 33 nạn nhân thiệt mạng, hàng chục người bị thương trong vụ cháy quán karaoke An Phú ở TP Thuận An, Bình Dương.

Tại Đồng Tháp, ngày 22/11/2021, ngọn lửa đã làm 3 người chết, 1 người bị phỏng nặng trong vụ cháy tiệm bán tạp hóa ở ấp Tân Thành, xã Tân Quy Tây, TP Sa Đéc.

Nguyên nhân phần lớn do chập điện, nhưng chung quy là do sự chủ quan, bất cẩn, tắc trách của con người.

Không ít nhà dân, gian hàng trong chợ kéo điện tự phát, đấu nối như mạng nhện; không có rờ - le tự ngắt khi chập, chạm; dây nhỏ hơn công suất tiêu thụ; bếp để sát bên bình ga...

Không thể phủ nhận tinh thần trách nhiệm của lực lượng PCCC và cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra việc PCCC, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhân dân. Nhưng vẫn còn người chưa làm tròn nhiệm vụ, như sau vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông, có 3 cán bộ, chiến sĩ PCCC và 5 cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức, trong đó có Phó Chủ tịch quận và Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường; năm 2017, 20 chiến sĩ Cảnh sát PCCC ở TP Hồ Chí Minh bị kỷ luật do sai phạm trong công tác.

Trước tình hình hỏa hoạn xảy ra, nhiều địa phương tăng cường công tác tuyên truyền PCCC bằng nhiều hình thức như: nhắc nhở trên phương tiện truyền thông, phát tờ rơi, ký cam kết, cán bộ đến tận nhà tuyên truyền...

Nhưng sau những việc làm đó, công tác kiểm tra vẫn còn bỏ ngỏ, có nguyên nhân cán bộ cơ sở phải biết chuyên môn, còn lực lượng chức năng PCCC không thể hướng dẫn, kiểm tra từng hộ dân do không đủ nhân lực. Trong khi đó, hầu như địa bàn nào cũng có thợ điện nhưng chưa được mời cộng tác trong lĩnh vực này.

Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC (ngày 4/10/1962), việc phòng cháy và chữa cháy là nghĩa vụ của mỗi công dân, phải tích cực đề phòng không để nạn cháy xảy ra, luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, triệt để tuân theo các quy định về phòng cháy, chuẩn bị sẵn sàng để khi cần có thể chữa cháy kịp thời và có hiệu quả.

Để không còn những vụ việc thương tâm do hỏa hoạn.

Hữu Ý

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn