Chị Lê Thị Chi vượt khó làm kinh tế giỏi

Cập nhật ngày: 22/07/2013 04:53:57

Chị Lê Thị Chi (Sinh năm 1958) và anh Huỳnh Văn Hoàng (ngụ tổ 17, ấp 4, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh) lấy nhau năm 1980, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào 3 công đất trồng lúa, mỗi năm 1 vụ, thu nhập bấp bênh, không đủ sống.


Chị Lê Thị Chi chăm sóc ruộng lúa của gia đình

Trong điều kiện thiếu vốn sản xuất, đất trồng lúa không hiệu quả, vợ chồng chị Chi đã nỗ lực làm thuê làm mướn, mùa khô anh chị làm ruộng, mùa nước nổi xuống xuồng ghe mua bán hàng bông, mọi chi tiêu trong gia đình, vợ chồng chị rất tiết kiệm, để dành tiền làm vốn mua bán.

Năm 1982, vợ chồng chị Chi sinh con đầu lòng, cuộc sống càng khó khăn vất vả, nhưng nhờ chí thú làm ăn, tiết kiệm chi tiêu, anh chị dành dụm được một khoản tiền kha khá mua thêm được 5 công đất làm ruộng. Nhờ học hỏi kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chuyển đổi mô hình từ trồng lúa thường, sang trồng lúa chất lượng cao, năng suất, đem lại lợi nhuận khá cho gia đình. Ngoài làm ruộng, vợ chồng chị, tranh thủ thời gian nông nhàn mua xoài lá của bà con ở địa phương để chăm sóc lấy trái bán cho thương lái.

Lợi nhuận từ việc kinh doanh xoài lá mỗi năm mang về cho gia đình chị vài chục triệu đồng. Thấy việc kinh doanh xoài lá có hiệu quả, năm 2000, chị Chi dồn hết vốn liếng mở rộng thu mua xoài lá, thế nhưng mùa lũ tràn về, xoài bị mất mùa, vợ chồng chị Chi trở nên trắng tay. Chị Chi chia sẻ: “Việc làm ăn thất bại, vợ chồng tôi vô cùng thất vọng, chán nản, nhưng nghĩ lại có buồn cũng không giải quyết được gì, nên chúng tôi tiếp tục phấn đấu, suy nghĩ phương cách khác làm ăn”.

Chị tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp vay vốn làm chuồng chăn nuôi heo, ban đầu chị nuôi được 10 con heo thịt. Bước đầu nuôi heo thành công, chị tiếp tục học thêm kỹ thuật chăn nuôi và mở rộng quy mô nuôi heo thịt và để nái... tổng thu nhập từ chăn nuôi heo, mỗi năm được khoảng 30 triệu đồng.

Năm 2002, chị Chi tham gia sinh hoạt ở Hội Phụ nữ ấp 4, giúp chị có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay phát triển kinh tế gia đình; chị còn được Hội LHPN xã Phong Mỹ giới thiệu học nghề đan ghế nhựa tại Công ty Sao Mai. Sau khi lành nghề, chị về địa phương dạy nghề lại cho khoảng 30 chị em, sau đó Hội LHPN xã cho thành lập tổ hợp tác đan ghế nhựa, chị được phân công làm tổ trưởng và đứng ra nhận nguyên liệu từ Công ty Sao Mai về phân phát cho chị em trong tổ làm gia công. Chính sự nhạy bén này mang lại cho chị và nhiều chị em trong tổ có thêm nguồn thu nhập cơ bản và ổn định. Đến nay, có khoảng 60 chị làm được sản phẩm, trung bình mỗi chị thu nhập 40 -50.000 đồng/ngày.

Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt qua thu hoạch nhiều đợt có hiệu quả, lợi nhuận tăng, tích lũy dần, chị mua thêm đất sản xuất và một số vật dụng cần thiết cho sinh hoạt gia đình, lo cho việc học hành của các con được chu đáo hơn.

Khởi nghiệp từ 3 công đất ruộng, sau bao năm chí thú làm ăn, đến nay vợ chồng chị Chi sở hữu được 20 công đất ruộng, 4 công đất trồng ớt và 2 công vườn trồng cây lâu năm, với mức thu nhập mỗi năm trên một trăm triệu đồng. Chị Chi là tấm gương điển hình phụ nữ vượt khó làm kinh tế giỏi để nhiều chị em noi theo.

Lệ Chi

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn