Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em phát huy hiệu quả

Cập nhật ngày: 15/07/2013 05:07:48

Hiện nay toàn tỉnh có 418.037 trẻ em (TE) từ 0 - 16 tuổi, chiếm 24,93%. Trong đó, hơn 8.000 TE đang sống trong điều kiện đặc biệt khó khăn. Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc TE luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh quan tâm chỉ đạo và thực hiện bằng nhiều biện pháp thiết thực, đồng bộ.


TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham gia Hội trại Thể thao - Văn hóa cấp tỉnh

Để công tác bảo vệ và chăm sóc TE đạt hiệu quả, các cấp, các ngành đã triển khai, thực hiện nghiêm túc các văn bản, chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ TE. Hàng năm, phối hợp truyền thông trên Đài Truyền thanh các huyện, Trạm truyền thanh các xã phổ biến Công ước Quốc tế về Quyền TE, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục TE, phản ánh kết quả thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc TE ở địa phương, giới thiệu, phổ biến những mô hình hay, điển hình trong công tác bảo vệ TE... góp phần nâng cao nhận thức cho trẻ em và trách nhiệm của mỗi gia đình, xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Quỹ Bảo trợ TE tỉnh vận động trên 2 tỷ đồng giúp đỡ 2.000 TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, tặng quà Cây mùa xuân cho 1.800 TE nghèo tại 35 xã trong tỉnh; tổ chức đưa 30 TE bệnh tim phẫu thuật tại TP.HCM, 37 trẻ bị sứt môi – hở hàm ếch phẫu thuật tại An Giang; tặng học bổng cho 21 học sinh vượt khó học giỏi; tổ chức khám sàng lọc cho 4 trẻ khuyết tật...

Đảm bảo công tác bảo vệ, chăm sóc TE đạt hiệu quả, tỉnh chú trọng nâng cao năng lực năng lực cho đội ngũ cán bộ tại cơ sở. Đầu năm 2013 đến nay, tổ chức 7 lớp tập huấn các nội dung về công tác xã hội với TE; kỹ năng sống cho trẻ; nhiệm vụ của các thành viên trong hệ thống bảo vệ TE... Kết quả, có 61 cán bộ cấp huyện, 218 cán bộ cấp xã và 236 cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc TE trên địa bàn tỉnh tham gia lớp tập huấn.

Các cấp lãnh đạo còn thực hiện các chính sách xã hội nhằm cải thiện mức sống gia đình, tạo điều để gia đình quan tâm, dạy dỗ con cái tốt hơn. Từ đầu năm 2013 đến nay, có trên 80% TE có hoàn khó khăn nhận được sự trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, tái hòa nhập và có cơ hội phát triển; 50% TE có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được phát hiện, can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ đó. Trong các cuộc họp lệ, Ban Bảo vệ TE các xã, Ban Điều hành cấp huyện đã giải quyết 340 trường hợp TE có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ.

Tỉnh đang tiến hành lập hồ sơ quản lý, hỗ trợ 1.022 TE có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em ổn định cuộc sống và được hưởng các quyền cơ bản của TE. Trong đó, có 29 trẻ lang thang, lao động nặng nhọc, nguy hiểm, trẻ vi phạm pháp luật, bị xâm hại thân thể được giúp học nghề. Số còn lại được trợ giúp dụng cụ học tập hoặc trợ cấp khó khăn trong 3 tháng.

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách đối với TE, nhân các dịp lễ, Tết địa phương tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho TE có hoàn cảnh đặc biệt, thu hút trên 1.000 lượt TE tham dự. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh Sóc trăng, An Giang, Bạc Liêu và Kiên Giang tổ chức trại hè “Ước mơ hồng” liên tỉnh lần thứ 13 cho 520 TE vượt khó học giỏi của các tỉnh tham gia; phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn tổ chức Hội trại Thể thao – Văn hóa cấp tỉnh cho 260 TE có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hướng dẫn tổ chức Hội trại Thể thao – Văn hóa cấp huyện, thị, thành cho gần 900 TE tham gia...

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn