Hiệu quả công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện tại cộng đồng

Cập nhật ngày: 26/11/2022 10:21:30

ĐTO - Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 127/143 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy (MT) tại cộng đồng” (gọi tắt là Mô hình). Qua thời gian thực hiện, Mô hình đã hỗ trợ nhiều người sử dụng MT tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ người nghiện; có 5 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận không có MT.


Anh N.H.H. (ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc) chăm sóc vườn hoa kiểng

Mô hình được UBND tỉnh triển khai thí điểm tại các xã, phường gồm: Mỹ Tân (TP Cao Lãnh), Tân Khánh Đông (TP Sa Đéc) và An Bình A (TP Hồng Ngự) vào năm 2019, sau đó nhân rộng đến các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng các sở, ngành tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công; hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai Mô hình gắn với công tác phòng, chống MT tại địa bàn. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã tham gia thực hiện Mô hình.

Tại TP Sa Đéc, Phòng LĐ-TB&XH, Công an TP Sa Đéc phối hợp tham mưu UBND TP Sa Đéc xây dựng kế hoạch thực hiện Mô hình tại 7/9 xã, phường (trừ xã Tân Quy Tây và phường Tân Quy Đông được UBND tỉnh công nhận không có MT). Trên cơ sở đó, UBND xã, phường chỉ đạo lực lượng Công an địa phương rà sát, lập hồ sơ quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ 131 đối tượng nghiện MT tại cộng đồng. Theo Phòng LĐ-TB&XH TP Sa Đéc, qua triển khai Mô hình đến nay, có 60/131 người nghiện đã tự nguyện đăng ký tham gia điều trị thay thế các dạng thuốc nghiện bằng Methadone; số còn lại tự nguyện cai nghiện tại gia đình và có chuyển biến tích cực...

Như trường hợp của anh N.H.H. (29 tuổi, ngụ ấp Đông Khánh, xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc), nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương mà anh H. đã từ bỏ MT, vươn lên ổn định đời sống. Năm 2016, anh H. từng sử dụng MT và được Công an xã ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc. Năm 2017, anh H. hoàn thành thời gian cai nghiện và được Công an xã lập hồ sơ quản lý, giúp đỡ tại cộng đồng. Năm 2019, anh H. được Công an xã giới thiệu vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” để thuê 2.000m² trồng hoa kiểng. Với quyết tâm làm lại cuộc đời, anh H. luôn cần cù, chí thú làm ăn, nên mỗi tháng thu nhập hơn 10 triệu đồng từ việc bán hoa kiểng. Đến nay, anh H. đã hoàn trả một phần vốn vay và dự kiến trả hết vào năm 2023.

Tại huyện Tam Nông, đến tháng 10/2022, 12/12 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện Mô hình, quản lý 125 người nghiện. Theo đó, Phòng LĐ-TB&XH phối hợp Công an huyện hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thành lập 38 Tổ công tác cai nghiện MT tại gia đình, với 171 thành viên là Công an, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban nhân dân khóm, ấp tham gia. Từ năm 2019 đến nay, các tổ đã trực tiếp tuyên truyền, giáo dục giúp 103/125 đối tượng nghiện MT có chuyển biến tốt; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 84 trường hợp; hỗ trợ vốn vay từ nguồn “Quỹ tái hòa nhập cộng đồng” cho 2 trường hợp từng sử dụng MT chấp hành xong án phạt tù với số tiền 80 triệu đồng. Hiện nay, toàn huyện còn 55 người nghiện MT tại cộng đồng (giảm 75 người) và có 3/12 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận không có MT.

Theo Sở LĐ-TB&XH, từ khi triển khai Mô hình đến nay, toàn tỉnh có 2.973 người nghiện MT được lập hồ sơ quản lý. Trong đó, có 1.342 người được đi cai nghiện bắt buộc và 1.631 người được quản lý cai nghiện tại cộng đồng. Đến nay, có 1.112/1.342 người chấp hành xong quyết định cai nghiện về tái hòa nhập cộng đồng; có 505/1.631 cai nghiện tại cộng đồng có chuyển biến tốt, kiểm tra nhiều lần không dương tính với chất MT. Bên cạnh đó, có 309 người nghiện MT được giới thiệu việc làm, 135 người được dạy nghề miễn phí và 27 người được hỗ trợ vay vốn từ “Quỹ phát triển tái hòa nhập cộng đồng” với số tiền 965 triệu đồng, góp phần ổn định đời sống, hạn chế tái nghiện.

P.L

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn