Huyện Cao Lãnh: Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cập nhật ngày: 09/11/2012 13:25:10

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương, huyện Cao Lãnh đã tăng cường công tác dạy nghề, giải quyết việc làm (GQVL), phát triển mạng lưới trường, lớp học tại địa phương.


Lao động làm nghề đan ghế nhựa

Trên lĩnh vực đào tạo nghề, Trung tâm Dạy nghề huyện phối hợp với các xã, thị trấn mở lớp dạy nghề nông thôn theo chỉ tiêu đã được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phân bổ năm 2012. Tính từ đầu năm đến tháng 10/2012, huyện Cao Lãnh đã mở 21 lớp nghề nông thôn (17 lớp đan lục bình, 2 lớp đan dây cối, 1 lớp sửa kiểng bonsai và 1 lớp điện công nghiệp), đạt 84% kế hoạch tỉnh giao (21/25 lớp), có 640 lao động được dạy nghề và giới thiệu việc làm sau học nghề đạt 100%.

Thực hiện dạy nghề trên lĩnh vực nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 70 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản cho nông dân, 1.750 người tham dự. Toàn huyện Cao Lãnh hiện có 84 trường (Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT). Dự kiến đến cuối năm 2012, toàn huyện có 11 trường đạt chuẩn quốc gia, có 15 trường Tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (với 4.029 học sinh theo học).

Năm học 2011-2012, toàn huyện có 2.663 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc ở ngành học Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Trình độ chuyên môn giáo viên được nâng cao đáp ứng nhu cầu về đổi mới phương pháp dạy và học. Trong tổng số 2.663 cán bộ, giáo viên, nhân viên, có 71 người có trình độ thạc sĩ, chiếm 2,67% tăng 0,4%; 1.192 người có trình độ Đại học, chiếm 44,76%, tăng 0,79%; 1.042 người có trình độ Cao đẳng, chiếm 39,13%, tăng 0,77% so với năm học trước; 358 người có trình độ Trung học, chiếm tỷ lệ 13,44%.

Công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tuyển dụng lao động trong và ngoài huyện, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng cao, quy mô trường lớp đáp ứng tốt nhu cầu học tập, công tác đào tạo nghề cho lao động hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu.

Sắp tới, huyện Cao Lãnh sẽ đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, phân bổ nguồn lực chương trình theo hướng ưu tiên cho các xã xây dựng xã nông thôn mới; tạo bước chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước xây dựng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và tác phong công nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề cho lao động nông thôn; thu hút các cơ sở dạy nghề tư thục, các cơ sở giáo dục (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp), các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch ở cấp huyện, xã, các đơn vị có tham gia đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện.

C.P

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn