Không chủ quan với bệnh sởi

Cập nhật ngày: 10/03/2014 04:37:53

Trong tháng 1/2014, cả nước có trên 240 trường hợp mắc bệnh sởi, có 3 trường hợp tử vong. Trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2014 đến nay, tình hình bệnh sởi đang có nguy cơ lan rộng tại nhiều địa phương. Để kịp thời khống chế dịch bệnh này, ngành y tế đang tích cực có biện pháp phòng, chống, tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan với bệnh.


Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi

Theo Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp, từ đầu năm 2014 đến nay toàn tỉnh xã ra 8 ca bệnh sởi tại các địa phương: TP.Cao Lãnh 3 ca, TP.Sa Đéc và huyện Cao Lãnh mỗi địa phương 2 ca, huyện Lai Vung 1 ca. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp sốt phát ban nghi ngờ là bệnh sởi. Riêng tại TP.Cao Lãnh, từ đầu năm 2014 đến ngày 5/3, Trung tâm Y tế thành phố đã ghi nhận 13 trường hợp sốt phát ban, nhiều trường hợp sốt phát ban có độ tuổi từ 7 đến 16 tháng tuổi.

Các trường hợp này đều được điều tra, lấy mẫu máu xét nghiệm, qua đó đã phát hiện được 3 trường hợp (ngụ xã Mỹ Tân và Tịnh Thới) dương tính với bệnh sởi. 3 ca này có độ tuổi từ 5 đến 18. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp phát hiện 2 trường hợp sốt phát ban là học sinh đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn TP.Cao Lãnh, cả 2 trường hợp này đều có triệu chứng giống bệnh sởi nên bác sĩ của bệnh viện đã tiến hành lấy máu xét nghiệm, đang chờ kết quả.

Bà Lê Thị Thu Thảo - Phó Khoa kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế TP.Cao Lãnh cho biết, mới đây khi phát hiện 2 trường hợp sốt phát ban có triệu chứng nghi bệnh sởi, bà và nhân viên y tế địa phương đã đến nhà điều tra nguyên nhân bệnh thì biết cả 2 trường hợp đều không tiêm vắc xin sởi. Qua tiếp xúc, phụ huynh của em P.T.K. ngụ phường Mỹ Phú và em P.T.Q ngụ phường 6 đều cho rằng việc tiêm ngừa vắc xin sởi trẻ là cần thiết nhưng do sợ bé bị biến chứng sau tiêm nên hiện bé hơn 1 tuổi vẫn chưa tiêm mũi vắc xin nào. Sau khi được cán bộ y tế tuyên truyền, người nhà 2 cháu nhận ra được những nguy hiểm và hứa sẽ cho con đi tiêm ngừa sau khi cháu hết bệnh.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đồng Tháp cho biết, khả năng bệnh sởi xảy ra thành dịch lớn ở Đồng Tháp là không cao, vì những năm gần đây, nơi nào xảy ra dịch sởi là do hậu quả của việc lơ là tiêm chủng, tỷ lệ tiêm chủng thấp. Đồng Tháp nhiều năm liền tiêm chủng sởi đạt trên 95%, số chưa có miễn dịch thấp, tuy nhiên do tích tụ nhiều năm, số này cũng đáng kể. Chính những đối tượng này sẽ có nguy cơ mắc sởi trong tình hình bệnh đang lây lan mạnh trong nước, làm tình hình bệnh sởi trong tỉnh phức tạp theo, bệnh sẽ xảy ra rải rác trong tỉnh ở các đối tượng còn sót miễn dịch này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ấn, bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban. Vi rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Sởi là Là bệnh lây nhiễm giữa người với người. 1 người mắc sởi có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác. Dù có vắc xin phòng bệnh nhưng đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Năm 2010, trên thế giới cứ mỗi 4 phút có một người chết vì bệnh sởi. Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc xin. Các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi có thể dẫn đến tiêu chảy, viêm phổi, mù lòa, mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sẩy thai, đẻ non. Do đó, để phòng bệnh sởi, biện pháp tốt nhất là chủ động tiêm vắc xin sởi cho trẻ đúng lịch do ngành y tế tổ chức. Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban, đồng thời tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc, khi có dịch cần hạn chế tập trung đông người.

Hiện nay ngành y tế tỉnh đang làm hết sức mình để khống chế, không để bệnh bùng phát. Cụ thể, các cán bộ hệ dự phòng đang tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch, mở chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi trong tháng 3/2014 và tăng cường cung cấp cho người dân kiến thức về bệnh sởi, cách phát hiện bệnh và biện pháp phòng tránh. Để công tác khống chế bệnh thành công, ngành y tế rất cần sự chung tay của tất cả người dân.

Hữu Nghĩa

Xử lý ổ dịch sởi tại TP.Cao Lãnh

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết, vừa qua trên địa bàn TP.Cao Lãnh xuất hiện 1 ổ dịch sởi. Ổ dịch này đã được cán bộ y tế xử lý triệt để, diệt trừ được nguồn lây bệnh. Đồng thời, ngành y tế tỉnh đang tăng cường công tác tiêm sởi theo lịch thuộc dự án tiêm chủng mở rộng và đang triển khai hoạt động tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin, thời gian thực hiện vào tháng 3, 4/2014, nhằm chủ động phòng bệnh cho người dân, triệt tiêu nguồn lây lan của bệnh.

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn