Làng nghề rộn rã đón Tết

Cập nhật ngày: 14/02/2013 13:03:01

Ở tỉnh Đồng Tháp, các làng nghề truyền thống hầu như hoạt động quanh năm, trong đó có nhiều làng nghề mùa Tết là mùa làm ăn tất bật nhất. Những ngày cận Tết, có dịp đi dọc các làng nghề này mới thấy hết không khí lao động nhộn nhịp nơi đây...

Làng chổi lông gà Bình Thành


Nghề làm chổi lông gà ở ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Lấp Vò hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất từ tháng 10 đến Tết Nguyên đán. Có dịp đến làng chổi lông gà Bình An những ngày này sẽ thấy các công đoạn làm chổi diễn ra hối hả, từ phơi lông gà, nhuộm màu, vót trúc đến bó chổi, vận chuyển đem chổi đi bán... Để có đủ sản phẩm bán trong mùa Tết, ngay từ tháng 3 âm lịch, người làm nghề phải tranh thủ tìm mua lông gà phơi khô dự trữ đến tháng 7 âm lịch bắt đầu vào vụ Tết.

Ông Nguyễn Văn Đông - chủ 1 cơ sở chổi lông gà ở ấp Bình An cho biết: “Tính sơ sơ, trong xã Bình Thành này có hơn 200 hộ theo nghề làm chổi lông gà. Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, mỗi năm chúng tôi đều có những mẫu mã, màu sắc sản phẩm mới. Trung bình mùa Tết, sản phẩm làm ra tăng gấp đôi, gấp ba ngày bình thường”.

Ở làng nghề chổi lông gà, trung bình mỗi lao động có thể kiếm được từ 50 - 100 ngàn đồng/ngày. Trong suốt mùa tết, nhiều người làm chăm chỉ có thể kiếm đủ tiền chi tiêu, mua sắm tết.

Làng chiếu hối hả đón xuân


Cũng tại huyện Lấp Vò, vào tháng 10 âm lịch, nhà nhà trong làng nghề dệt chiếu xã Định An và Định Yên hối hả tăng công suất để có đủ sản phẩm phục vụ khách hàng trên mọi miền đất nước. Đối với người dân làng nghề, đây là mùa làm ăn, bởi vì trong một năm sản phẩm làm ra bán chạy và được giá nhất là những ngày cận Tết.

Bà Trần Thị Vân - chủ 1 cơ sở dệt chiếu ở ấp An Hòa, xã Định An cho biết: “Vợ chồng tôi ngày bình thường chỉ dệt khoảng 8 chiếc chiếu, nhưng bắt đầu từ tháng 10 âm lịch phải mướn thêm người dệt tiếp mới đủ lượng hàng giao cho khách”.

Hơn hai năm qua, các gia đình theo nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, Định An đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu để giảm bớt công lao động, nâng cao thêm năng suất và chất lượng của sản phẩm. Làng chiếu Định An, Định Yên trong tháng 10-11 âm lịch cùng với sự tất bật của các lao động theo nghề là cảnh tấp nập các thương lái đến mua chiếu đi bán khắp mọi miền.

Làng nem vào mùa Tết


Vì là sản phẩm chỉ có thể dự trữ sử dụng trong thời gian ngắn nên so với nghề làm chổi và làm chiếu ở Lấp Vò thì sự hối hả và nhộn nhịp của nghề làm nem truyền thống ở huyện Lai Vung không bằng. Tuy nhiên, đối với dân trong nghề thì thời gian trước Tết khoảng 3 tuần là những ngày “tất bật”. Đó là thời điểm các cơ sở nem trên địa bàn phải tăng gấp đôi số lượng sản phẩm làm ra để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách trong dịp Tết.

Chị Nguyễn Thị Ngân - chủ cơ sở sản xuất nem Út Thẳng, huyện Lai Vung cho biết: “Nếu như ngày thường cơ sở của tôi sản xuất từ 2.000 - 3.000 chiếc/ngày thì trước Tết Nguyên đán khoảng nửa tháng, chúng tôi bắt đầu tăng lượng sản phẩm lên gấp đôi. Vì sản phẩm làm ra nhiều nên thu nhập của mỗi lao động cũng tăng hơn”.

Toàn huyện Lai Vung có 6 cơ sở sản xuất nem hoạt động. Để đáp ứng ngày càng cao theo yêu cầu của người tiêu dùng, đồng thời nâng cao uy tín cho làng nghề, các cơ sở nem trên địa bàn huyện không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, đã có sản phẩm nem, chả của cơ sở Giáo Thơ có mặt trong hệ thống siêu thị Coopmart các tỉnh, thành phía Nam.

Rộn rã mùa hoa


“Hối hả và nhộn nhịp”, đó là cảm giác của nhiều người khi có dịp đến với làng hoa Sa Đéc trong những ngày trước Tết. Muôn ngàn loài hoa với đủ sắc màu, qua bàn tay chăm sóc khéo léo của những người trồng hoa đua nhau khoe sắc chờ đón người vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi.

Nếu như năm 1975, Sa Đéc chỉ có khoảng 100 hộ trồng hoa kiểng thì đến năm 2012 làng hoa Sa Đéc có gần 2.000 hộ trồng hoa kiểng với diện tích hơn 353ha. Tết năm nay, chắc chắn sẽ có nhiều hoa xuất xứ từ làng hoa Sa Đéc tô điểm cho sắc xuân ở nhiều nơi thêm rực rỡ.

Long Nhật

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn