Lênh đênh kiếp thương hồ

Cập nhật ngày: 01/07/2013 05:14:59

Ngày này qua ngày nọ, len lỏi các vùng nông thôn, ghe hàng được xem như “chiếc cần câu” của dân thương hồ bởi nó nuôi sống cả gia đình. Có biết bao kỷ niệm vui buồn, nhọc nhằn và hy vọng một cuộc sống tốt đẹp trên “chiếc cần câu” ấy.

Nhọc nhằn trên sông nước


Chú Chín quay máy chạy ghe bán khoai

Chiếc ghe mũi chài tấp vào bến chợ Rạch Chanh (xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh). Chú Chín (Nguyễn Văn Chín 64 tuổi, quê xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò) vớ lấy vội hai cây sào cắm phập xuống nước neo ghe lại. Vợ và con chú cầm hai sợi dây vàm nhỏ nhảy lên bờ buộc vào trụ cây trên bến. Dưới cơn mưa nặng hạt, chú Chín se điếu thuốc lào, rít một hơi cho ấm người rồi bảo: “Ai cũng muốn làm giàu nhưng ngặt nỗi không nghề nghiệp, vốn liếng. Sống cảnh gạo chợ nước sông nên nắng mưa cũng phải chịu”. Hai năm liên tiếp làm rẫy thất mùa, chú Chín bàn với vợ (cô Chín Nhỏ) vay mượn tiền để mua chiếc ghe cũ chạy bán khoai trên các sông rạch.

Bảy năm qua, cứ độ 10 ngày một lần, vợ chồng chú chạy ghe đến tận miệt Long An mua khoai về bán lại cho các xáng cạp, xuồng bè dưới sông, bày bán tại các bến chợ xã trên địa bàn thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh. Mỗi chuyến đi chú lời được gần 700 ngàn đồng. Lúc nào cô chú cũng nghĩ đến việc để dành chút đỉnh tiền phòng khi đau yếu và mua bộ đồ mới cho đứa con đang học lớp 10, nhưng cứ hết chuyến đi này đến chuyến đi khác, tiền lời trong túi cô chú cứ cạn dần.

Ở cái tuổi lục tuần, chú Chín được xem là một trong những người lớn tuổi nhất vẫn còn nặng kiếp thương hồ.

Mong một mái nhà

Mùa này dọc các kênh Mũi Tàu, Bà Sửu, Sáu Đạt, An Phong (đoạn thuộc địa bàn huyện Thanh Bình) lúa vụ hè thu đã vào mùa gặt. Tận dụng người dân tìm đến đây để gặt thuê và những người thả vịt chạy đồng che lều giữ vịt, từ sáng đến chiều có 6 chiếc ghe hàng tứ xứ chạy dọc theo kênh bán đồ ăn, nước uống. Cả 6 chiếc ghe hàng đều có trẻ em đi theo và không hộ nào có nhà ở trên bờ. Ghe hàng anh Út Thến chất đầy hàng bông, trái cây, tiêu, tỏi, bột ngọt,... Theo ghe anh, tôi nhìn hai bên bờ thấy nhà cửa thưa thớt mà không khỏi ái ngại. Nhưng đối với dân thương hồ, nhờ những tuyến đường ấy mà họ làm ăn được.


Anh Thến bán hàng cho khách

Ghe chạy chừng cây số thì phía trước có một chòi chăn vịt, anh Thến hạ ga máy, bóp kèn 2 lần thì từ phía trong chòi, một phụ nữ kêu: “Ghe hàng”. Anh Thến cho ghe dừng lại để bán hàng cho khách. Tôi thắc mắc vì sao chòi từ phía xa mà khách biết ghe hàng đến. Anh Thến giải thích: “Dân trong nghề từ trước đến giờ đều thống nhất mỗi khi mời khách mua hàng là bóp kèn hai lần để báo”. Sau khi chạy bán một đoạn đường khá xa thì trời đã quá trưa, anh Thến tấp ghe vào một bóng cây cập bờ sông dọn cơm ra ăn.

Trong bữa cơm trưa, nghe anh chị kể chuyện mà không khỏi chạnh lòng: “Mười năm nay sống trên ghe, mơ ước dành dụm được tiền mua miếng đất vài chục triệu để cất nhà cho có chỗ ăn chỗ ở nhưng làm mãi vẫn không dư được bao nhiêu”. Nhìn hai đứa con đang ngồi cạnh mình, chị Nguyễn Thị Nói - vợ anh Thến (ngụ khóm 4, phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự) tâm sự: “Tôi có 3 đứa con, ghe chật quá không chở theo hết nên gửi nhờ bà chị ở quê đứa lớn. Hoàn cảnh không nhà cửa nên đành bấm bụng cho con theo ghe. Hôm qua, thằng con út (5 tuổi) bị té xuống sông, may mà nước không sâu lắm nên tôi nhảy xuống đưa con lên kịp”.

Xế chiều, rời ghe anh Thến, tôi tìm đến ghe hàng của chú Nguyễn Lũy (51 tuổi) ngụ ấp Long An B, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông. Vừa dừng ghe tại bến sông chợ Bình Tấn (huyện Thanh Bình), chú Lũy vội đi kiếm miếng vải nhét tạm chỗ khe ghe bị hở để hạn chế nước tràn vô ghe. Ghe vào bến, Kim Phượng - con gái út của chú mừng rỡ chạy ùa lên ngôi nhà đầu chợ xin coi nhờ phim. Sống trên ghe hàng được 9 năm, chú Lũy đã quá thấm thía cảnh “gạo chợ nước sông”. Ngồi trên mui ghe, ánh mắt buồn buồn nhìn về phía xa, chú Lũy giải bày: “Ai ngờ mình bán ghe hàng mà phải chạy gạo ăn từng ngày. Làm gần chục năm vậy mà chưa có miếng đất nhỏ để ở. Tôi cũng đã lớn tuổi, mong làm vài năm nữa cất được nhà, để con sau này có được cái nhà để ở”.

Có những đêm mưa giông lớn, để ghe được an toàn, không va đập, đứt dây trôi dạt, các chủ ghe hàng phải thức thâu đêm canh giữ. Khi ấy những người trên ghe cũng không ai ngủ được phần vì lo lắng ghe chìm, phần vì bị nước mưa dột tạt. Một mái nhà, hay ít nhất là một miếng đất nền nhà luôn là ước mơ của dân thương hồ để sẽ không còn nhọc nhằn lênh đênh trên sông nước.

Hữu Nghĩa

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn