Nối lại chương trình xuất khẩu lao động

Cập nhật ngày: 07/05/2014 06:23:48

Nếu giai đoạn năm 2002 đến năm 2007 bình quân mỗi năm tỉnh có trên 1.000 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ), thì sau năm 2007 đến nay số lao động tham gia xuất khẩu ngày càng giảm, bình quân mỗi năm chỉ có 247 lao động đi làm việc nước ngoài, riêng năm 2013 chỉ có 70 lao động tham gia xuất khẩu. Năm 2014, UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có các động thái tạo đà, kết nối lại chương trình XKLĐ

Tham gia XKLĐ, người lao động có thu nhập ổn định với mức thu nhập cao từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng (tùy theo thị trường lao động) giúp gia đình họ thoát khỏi cuộc sống khó khăn, trở nên khá giả, sau khi kết thúc hợp đồng làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, sau năm 2007, cùng với cả nước, Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn trong XKLĐ do thị trường lao động bị thu hẹp và một số thị trường XKLĐ như: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan đòi hỏi phải nộp chi phí, có chuyên môn cao; một số lao động XKLĐ thị trường Malaysia gặp rủi ro, một số người lao động về nước trước hạn, thông tin không đúng, đã ảnh hưởng hiệu quả tuyên truyền đến những đối tượng khác có nhu cầu XKLĐ. Những nguyên nhân trên đã dẫn đến việc sụt giảm số lao động xuất khẩu.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, nối lại chương trình XKLĐ của tỉnh. Thực hiện chỉ đạo này, Sở LĐ-TB&XH đã đặt ra chỉ tiêu trong năm 2014, đưa 288 lao động; phấn đấu đến năm 2015 đưa 550 lao động xuất khẩu; Sở LĐ-TB&XH đã thành lập đoàn đi học tập kinh nghiệm XKLĐ tại 3 tỉnh Nghệ An, Bến Tre, Vĩnh Long với mong muốn đem những kinh nghiệm học tập được về vận dụng tại Đồng Tháp.

Năm 2014, thị trường XKLĐ có những chuyển biến tích cực. Các thị trường được đánh giá tiềm năng gồm Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia với thu nhập từ 8 triệu đồng đến 30 triệu đồng/tháng. Sở LĐ-TB&XH từng bước vực dậy phong trào xuất khẩu lao động thông qua các mô hình điểm; tháo gỡ khó khăn về việc vay vốn hỗ trợ của người lao động làm việc nước ngoài, hỗ trợ 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay tiền; đổi mới các hình thức tuyên truyền, nêu gương người thật, việc thật; thực hiện thí điểm tại một số xã của 3 địa phương Tháp Mười, Cao Lãnh, thị xã Hồng Ngự...

Ông Nguyễn Trọng Tịnh - Trưởng Phòng Lao động - Tiền công, Sở LĐ-TB&XH cho biết: “Nối lại chương trình XKLĐ, sắp tới tỉnh sẽ tổng kết 10 năm công tác XKLĐ, củng cố lại Ban Chỉ đạo XKLĐ tại các địa phương, giao chỉ tiêu cho các đơn vị; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ vốn vay, chi phí học tập ngoại ngữ, học nghề, rút kinh nghiệm các chương trình XKLĐ cấp cơ sở;...”

C.Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn