Phấn đấu vươn lên và tự nguyện xin thoát nghèo

Cập nhật ngày: 13/12/2013 04:57:55

Thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn thị xã Hồng Ngự đẩy mạnh thực hiện. Cùng với các biện pháp hỗ trợ vốn, con giống, hướng dẫn cách làm, đào tạo nghề giải quyết việc làm thì quan trọng hơn hết vẫn là ý chí vươn lên thoát nghèo của từng hộ nghèo.

Điển hình là trường hợp gia đình ông Lê Văn Địch và bà Lê Thị Hường ngụ ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh (TX. Hồng Ngự). Ông Địch kể, khi mới lập gia đình do cha, mẹ hai bên đều nghèo nên vợ chồng ông phải tự kiếm sống, không đất sản xuất, không việc làm ổn định, ai kêu gì làm nấy, thời gian rảnh thì đi giăng lưới, đặt lọp kiếm thêm cua, cá để bán. Đầu năm 2009, ông bị bệnh thắt đường tiêu hóa và vợ bị bệnh suy thận mãn tính phải thường xuyên đi nằm viện, có lúc ông vừa xuất viện về nhà thì tới vợ ông đi nằm viện. Đến tháng 10/2009, vợ ông qua đời, lúc đó gia đình lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn. Do gia đình thuộc diện hộ nghèo nên được xét được vay sản xuất kinh doanh 10 triệu đồng.

Có được nguồn vốn hỗ trợ, ông xây chuồng để nuôi lươn, lấy công làm lời hàng ngày ông cùng người con trai đi giăng câu lưới, bắt ốc bưu vàng cho lươn ăn. Với tính chăm chỉ, ham học hỏi, ông tìm hiểu cách nuôi lươn của các hộ gia đình khác, nên mô hình nuôi lươn của gia đình dần dần đạt hiệu quả. Bên cạnh nuôi lươn, gia đình ông còn được người quen cho mượn đất làm lúa để kiếm thêm thu nhập. Nhờ cần cù chịu khó, biết tính toán làm ăn, đến nay cuộc sống gia đình ông phát triển hơn trước rất nhiều, đặc biệt là gia đình ông vừa tự nguyện xin thoát khỏi hộ nghèo.

Ông Địch cho biết: Mấy năm trước hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn. Năm nay được vay 10 triệu đồng và tôi cũng tích lũy mua lươn nuôi. Đời sống gia đình giờ cũng đỡ hơn, sống được, nên tôi xin thoát nghèo.

Tương tự, trường hợp của anh Lê Văn Kiệt (34 tuổi, ngụ ấp Bình Lý, xã Bình Thạnh), anh lập gia đình năm 2008, không đất sản xuất, không việc làm ổn định, tới mùa anh đi đắp bờ, sạ lúa, rải phân, phun xịt thuốc thuê, vợ anh thì làm cỏ, cấy lúa mướn, làm được ngày nào cũng chỉ đủ ăn ngày đó, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, thuộc diện nghèo. Từ khi được xét vay 10 triệu đồng, anh làm chuồng và mua 1 con bò về nuôi, hàng ngày anh đi làm thuê và tranh thủ thời gian rảnh cắt cỏ đem về cho bò ăn. Sau thời gian nuôi anh bán bò lợi nhuận gần 3 triệu đồng, bán xong anh mua lại con bò khác nuôi tiếp.

Bên cạnh đó, anh được người quen giới thiệu vào làm lò sấy lúa trong ấp nên thu nhập cũng khá ổn định. Anh cho biết, nghèo nhưng phải chịu khó làm ăn không trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, chính bản thân, gia đình mình phải tự làm vươn lên và phải biết tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, cái nên mua thì mua, cái không nên mua thì tuyệt đối không mua, dành dụm từng chút thì mới giúp gia đình thoát nghèo bền vững. Điều đáng mừng là gia đình anh Kiệt cũng vừa tự nguyện xin thoát nghèo.

Được biết, qua công tác bình xét hộ nghèo cuối năm 2013, xã Bình Thạnh có 116 hộ được xét thoát nghèo, trong số đó gia đình của ông Lê Văn Địch và anh Lê Văn Kiệt được xem là gương điển hình của xã trong việc phấn đấu thoát nghèo. Bà Trần Thị Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: Hộ ông Lê Văn Địch và anh Lê Văn Kiệt năm 2013 tự nguyện xin thoát nghèo, địa phương biểu dương tinh thần tự thoát nghèo của 2 gia đình, đồng thời vận động các hộ khác noi theo. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để địa phương thực hiện tiêu chí giảm nghèo năm 2014.

Trần Hào

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn