Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và xây dựng nông thôn mới

Cập nhật ngày: 23/11/2021 10:50:04

ĐTO - Từ các nguồn vốn được phân bổ, trong đó có nguồn vốn xổ số kiến thiết (XSKT), các địa phương trong tỉnh đã xây dựng lộ trình đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại - du lịch và chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Các dự án (DA) từ nguồn XSKT đầu tư tại địa phương đã góp phần đạt, vượt các chỉ tiêu đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cải thiện và nâng cao đời sống người dân, giữ vững các tiêu chí trong xây dựng NTM.


Cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ nhu cầu dạy và học tại huyện Tháp Mười

Tại huyện Cao Lãnh, nguồn vốn XSKT được đầu tư trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) và xây dựng NTM. Trong lĩnh vực GD&ĐT (giai đoạn 2016 – 2020) các ngành huyện đã tập trung các mục tiêu hoàn thiện hệ thống trường lớp học trên địa bàn, có 26 DA được triển khai, thực hiện, tổng giá trị khối lượng hoàn thành các DA đạt 96,71% kế hoạch. Các DA từ nguồn vốn XSKT hoàn thành đã từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp phục vụ nhu cầu dạy và học; duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học; thực hiện có hiệu quả việc phân cấp quản lý; tạo điều kiện để các trường đạt chuẩn Quốc gia và tiêu chí trường học trong xây dựng NTM.

 Các DA từ nguồn XSKT được đầu tư đối với các ngành học, cấp học. Trong đó đối với cấp Tiểu học, hoạt động đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng góp phần tích cực trong công tác tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp, đáp ứng tiêu chuẩn nhu cầu tổ chức các hoạt động học tập, sinh hoạt ngoại khóa ngoài giờ lên lớp và các hoạt động trải nghiệm của học sinh. Đáp ứng nhu cầu của phụ huynh HS trong tham gia dạy và học 2 buổi trên ngày; các phòng chức năng được đầu tư đáp ứng nhu cầu học tin học, ngoại ngữ cho học sinh. Trong lĩnh vực xây dựng NTM, nguồn vốn XSKT được đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn, lĩnh vực thương mại-du lịch, văn hóa-xã hội... Các DA từ nguồn XSKT sau khi đầu tư, hoàn thiện phát huy hiệu quả sử dụng, tạo điều kiện để người dân lưu thông hàng hóa. DA đầu tư lĩnh vực du lịch đã hoàn thiện hạ tầng tạo nền tảng cho phát triển du lịch trên địa bàn. DA đầu tư về các thiết chế văn hóa tạo điều kiện cho người dân có nơi để học tập, sinh hoạt, giao lưu văn hóa tại các xã, thị trấn.

Tại huyện Tháp Mười, từ nguồn vốn XSKT và các nguồn vốn khác, UBND huyện, các đơn vị trực thuộc đã đầu tư cơ sở hạ tầng lĩnh vực GD&ĐT phục tốt cho học động dạy và học. Toàn huyện hiện có 32 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt trên 50%, trong đó có 5 trường gồm 4 trường Mầm non và 1 trường Tiểu học đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Trường Mầm non Láng Biển, Mầm non Tân Kiều đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ III và trường chuẩn Quốc gia mức độ II, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. Trong lĩnh vực xây dựng NTM, ngay từ đầu năm, huyện đã ban hành kế hoạch về việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và nâng chất các tiêu chí xã, huyện NTM theo hướng huyện NTM nâng cao. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục xây dựng kế hoạch rà soát, kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tại các xã đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, kiểu mẫu; huyện NTM nâng cao. Thực hiện nhiều giải pháp từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí then chốt như: thu nhập, bảo hiểm y tế, môi trường. UBND huyện và các đơn vị trực thuộc đã triển khai thực hiện nhiều mô hình nổi bật của địa phương góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Qua rà soát, đối với xã NTM theo Quyết định 379/QĐ-UBND-HC có 12/12 xã giữ vững và duy trì nâng chất 19/19 tiêu chí chuẩn NTM; đối với xã NTM nâng cao theo Quyết định 1287/QĐ-UBND-HC trong tổng số 12 xã trên địa bàn, có 2 xã đạt 18 tiêu chí; 9 xã đạt từ 11 – 14 tiêu chí; 1 xã đạt 10 tiêu chí.


Hội viên, phụ nữ trồng hoa trên tuyến đường nông thôn mới tại huyện Cao Lãnh

Trong thời gian tới, UBND tỉnh cùng các sở, ngành tiếp tục tăng cường các nguồn vốn đầu tư, trong đó có nguồn XSKT để tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất lĩnh vực GD&ĐT và NTM. Các sở, ngành tiếp tục tập trung rà soát, quy hoạch mạng lưới trường lớp đáp ứng sự phát triển GD&ĐT trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia ở các ngành học, cấp học. Thực hiện DA đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, bàn, ghế, thiết bị ngoài trời, phòng chức năng. Chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các gói thầu xây dựng, mua sắm. Đến nay, các địa phương đều thực hiện ổn định hoạt động đầu tư ngân sách cho lĩnh vực GD&ĐT, định mức phân bổ ngân sách đảm bảo tỷ lệ theo quy định, có lộ trình giai đoạn mang lại hiệu quả tích cực.

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, UBND các huyện, thành phố tiếp tục phân bổ đầu tư DA các công trình theo lộ trình xây dựng NTM của địa phương và đầu tư DA cho lĩnh vực GD&ĐT. Cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội các cấp tiếp tục củng cố, hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM. Trong đó có các tiêu chí về hộ nghèo, công trình, cầu, giao thông nông thôn và ký cam kết an toàn về an ninh trật tự, không có người tham gia các tệ nạn xã hội, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở nông thôn... Ngoài ra, tăng cường công tác huy động nguồn lực xã hội thực hiện xây dựng NTM và tập trung nâng chất các tiêu chí xã NTM nâng cao; huy động sức dân, tham gia trong việc hỗ trợ, hoàn thiện các công trình, DA tại địa phương.

H.An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn