Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội bền vững

Cập nhật ngày: 26/11/2021 15:05:17

ĐTO - Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 57/2016 về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, tỉnh đã có 41.516 hộ gia đình vươn lên thoát nghèo; hộ nghèo giảm từ 9,98% (năm 2016) xuống còn 1,86% (năm 2020), bình quân 1,62%/năm (vượt 1,5% chỉ tiêu đề ra); hộ cận nghèo còn 4,98%; thu nhập bình quân hộ nghèo cuối năm 2020 tăng 2,01 lần so với năm 2015, đạt chỉ tiêu Nghị quyết (tăng 2 lần chỉ tiêu đề ra).

Kết quả thực hiện chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020 đạt và vượt. Tuy nhiên, dưới tác động của công nghệ số một mặt tạo nhiều cơ hội, nâng cao năng suất, tiêu thụ sản phẩm và thu nhập cao để thoát nghèo nhưng cũng là thách thức người nghèo tiếp cận cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, hoạt động thương mại điện tử ảnh hưởng trực tiếp việc làm lao động.

Thực trạng hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu, thảm họa thiên tai, dịch Covid-19 kéo dài, biến động giá cả, tác động hội nhập, phát triển kinh tế thị trường, cơ hội việc làm càng khó hơn do đổi mới khoa học công nghệ, phát triển kinh tế theo hướng công nghệ cao làm khoảng cách chênh lệch thu nhập người nghèo có xu hướng gia tăng. Một số địa phương đã phân loại theo nhóm nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo nhưng chưa có giải pháp hỗ trợ phù hợp; chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (Nghị định 07/2021/NĐ-CP) tăng gấp 2,14 lần so với giai đoạn 2016-2020 (Quyết định 59/2015/QĐ-TTg) nên giai đoạn tiếp theo cần bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh thêm, nâng cao ý thức tự lực vươn lên của chính hộ nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống vật chất tinh thần, góp phần đảm bảo đời sống người dân; tại kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh sắp tới, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thảo luận, xem xét quyết định thông qua Nghị quyết Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2022-2025.

Dự kiến mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2022-2025

Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1%/năm theo chuẩn nghèo của Nghị định số 07/2021/NĐ-CP; đến năm 2025 hộ nghèo còn dưới 3% và thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020 (tương đương 30,9 triệu đồng/người/năm).

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm; thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo, mô hình giảm nghèo; tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

VÕ VĂN ĐỀ

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn