Tổ hợp tác may gia công góp phần giải quyết việc làm tại địa phương

Cập nhật ngày: 19/08/2013 04:20:18

Năm 2012, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Tháp Mười triển khai mô hình “Tổ hợp tác may gia công” (gọi tắt là tổ may) đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, một số xã không đủ điều kiện hoạt động, chỉ có xã Phú Điền và Trường Xuân mở được 2 tổ may, với tổng số 47 thành viên tham gia. Bước đầu cho thấy, 2 tổ may này mang lại nhiều kết quả thiết thực, giúp các chị phụ nữ có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.


Tổ hợp tác may gia công ở xã Phú Điền giúp nhiều chị em có việc làm ổn định

Theo Hội LHPN huyện, tổ may xã Phú Điền là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt, hiện toàn xã có 37 thành viên tham gia may gia công. Nhiều hộ phụ nữ nghèo không đất sản xuất, sống chủ yếu dựa vào làm mướn, từ khi tham gia vào tổ may, các chị có cuộc sống ổn định hơn. Điển hình như chị Mai Ngọc Diễm, chị Diễm cho biết: “Từ ngày tham gia vào tổ may, mỗi tháng tôi kiếm được khoảng 2 triệu đồng, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống gia đình. Con tôi năm học này vào mẫu giáo, nhờ có việc làm ổn định gia đình mới dám gởi cháu đi học. Công việc may gia công cũng nhàn rỗi, gần nhà thuận tiện để chăm lo cho gia đình”.

Các chị đăng ký tham gia vào tổ may ngoài việc được học nghề miễn phí, khi học xong được giới thiệu làm việc và có thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân của các chị từ 1,5 - 3 triệu đồng/tháng. Theo chị Phạm Thị Hiếu - Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Điền: “Các chị em tham gia vào các tổ may không chỉ có được thu nhập ổn định mà còn được hướng dẫn cách thức làm ăn, từ đó mỗi người đều có ý thức vượt khó vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, Hội LHPN xã tiếp tục mở thêm 1 tổ cho khoảng 20 chị tham gia”.

Chị Nguyễn Thị Mai Phương - Tổ trưởng tổ may Ngọc Phát (ấp Mỹ Thạnh, xã Phú Điền) cho biết, chủ cơ sở chịu trách nhiệm liên hệ đầu mối với Công ty TNHH may mặc Anh Đô (TP.Hồ Chí Minh), hàng tháng nhận hàng về giao lại cho các chị trong tổ may, với hình thức gia công theo sản phẩm (mỗi sản phẩm được 10.000 đồng), bình quân mỗi ngày các chị may được từ 5 - 10 sản phẩm/người.

Theo đánh giá của Hội LHPN huyện, đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, điều kiện của địa phương còn hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí mở thêm tổ may, nên rất cần sự giúp đỡ của các ngành cấp trên để địa phương nhân rộng mô hình, nhằm giúp cho nhiều chị phụ nữ ở nông thôn có công việc ổn định, tạo điều kiện vươn thoát nghèo, góp phần giải quyết nhu cầu lao động theo tiêu chí nông thôn mới.

Chị Ngô Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Tháp Mười cho biết: “Tổ hợp tác may gia công chỉ mới triển khai thời gian gần đây nhưng đã giải quyết được việc làm cho nhiều chị phụ nữ tại địa phương, hạn chế được tình trạng các chị phải đi làm ăn xa. Hướng tới, chúng tôi tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình tổ may gia công đến tất cả các xã còn lại, nhất là các xã nông thôn mới. Tuy nhiên, địa phương đề nghị Hội LHPN tỉnh có chính sách hỗ trợ giải ngân nguồn vốn để phát triển rộng hơn”.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn