Đảng bộ Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn

Cụ thể hóa Nghị quyết “tam nông” sát với điều kiện thực tiễn địa phương

Cập nhật ngày: 20/11/2013 05:15:28

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 26/NQ-TW (khóa X) và NQ số 07/NQ-TU (khóa VIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là NQ “tam nông”), Đảng bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần phát triển nền nông nghiệp tỉnh nhà theo hướng hiện đại, bền vững, gắn với đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới (XDNTM).


Đồng Tháp hiện có khoảng 75% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy,
tăng 47% so với năm 2008

Năm 2008, khi Trung ương ban hành NQ số 26 và Tỉnh ủy cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ bằng NQ số 07 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020, Đảng bộ Sở NN&PTNT đã tổ chức cho hơn 600 cán bộ, đảng viên, công nhân viên toàn ngành nghiên cứu, quán triệt sâu rộng những nội dung NQ gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Theo đồng chí Đặng Ngọc Lợi - Bí thư Đảng ủy Sở NN&PTNT, thời gian qua cán bộ, đảng viên của Đảng bộ luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đảng ủy lãnh đạo sâu sát, kịp thời kiện toàn tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đưa các hoạt động của Đảng bộ đi vào nề nếp, thực hiện hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong thực hiện NQ của Đảng về “tam nông”, việc xác định các chương trình, đề án, quy hoạch, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn có vai trò then chốt trong tổ chức thực hiện và phải đi trước một bước. Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện trên 24 đề án, dự án, quy hoạch phát triển sản xuất. Tỉnh xây dựng một số chuỗi giá trị các sản phẩm có thế mạnh như: lúa gạo, cá tra, xoài...

Sở NN&PTNT cũng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xác định sản phẩm hàng hóa chủ lực. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng liên kết doanh nghiệp từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Kinh tế hợp tác của tỉnh từng bước được củng cố, xây dựng và phát triển. Hiện tỉnh có trên 160 hợp tác xã nông nghiệp và 906 tổ hợp tác. Các giống có năng suất, chất lượng cao; quy trình, công nghệ sản xuất tiến bộ và cơ giới hóa được ứng dụng ngày càng mạnh mẽ vào khâu thu hoạch, bảo quản... Toàn tỉnh có hơn 1.500 máy gặt đập liên hợp, 900 máy sấy lúa. Diện tích và sản lượng lúa tăng đều qua các năm. Tỉnh đang phát triển mô hình cánh đồng liên kết, gắn sản xuất với tiêu thụ lúa. Năm nay, diện tích tham gia mô hình gần 55.200ha (cả 3 vụ). Sản lượng lúa doanh nghiệp thu mua hơn 93.400 tấn (vụ đông xuân và hè thu).

Qua 5 năm thực hiện NQ “tam nông”, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được củng cố và tăng cường, đáp ứng bước đầu cho nhu cầu phục vụ sản xuất và cải thiện điều kiện sống cho nhân dân. Tỉnh đầu tư trên 1.800 công trình nâng cấp kênh mương phục vụ tưới tiêu với tổng kinh phí gần 1.126 tỷ đồng; xây mới và nâng cấp hơn 1.200km đường giao thông nông thôn. Lao động qua đào tạo toàn tỉnh chiếm trên 49%; gần 77% lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2009-2013 là 20,9 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, việc thực hiện NQ “tam nông” vẫn còn một số hạn chế. Nhận thức rõ vấn đề này, thời gian tới, Đảng bộ Sở NN&PTNT Đồng Tháp sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng NQ “tam nông” và chương trình XDNTM đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; ưu tiên cao nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng tới một nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, gắn với đẩy nhanh tiến độ XDNTM.

Nhựt An

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn