Cựu chiến binh Lâm Văn Dũng vượt khó, vươn lên ổn định đời sống

Cập nhật ngày: 01/05/2022 05:18:18

http://baodongthap.com.vn/database/video/20220501051940lamvandung.mp3

 

ĐTO - Là thương binh hạng 3/4, với tỷ lệ thương tật 42%, thế nhưng ông Lâm Văn Dũng (SN 1956) - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh (CCB) ấp Phú Điền, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông luôn nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế gia đình và vươn lên ổn định cuộc sống.


Cựu chiến binh Lâm Văn Dũng chăm sóc lươn bố mẹ

Ông Dũng kể, ông tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1974 rồi chiến trường biên giới Tây Nam từ năm 1974. Đến năm 1982, ông trở về quê sinh sống với vết thương ở não và đa chấn thương phần mềm. Năm 1984, ông Dũng lập gia đình với bà Lê Thị Sàn (SN 1962) và lần lượt có 4 người con. Bắt tay vào lập nghiệp với đôi bàn tay trắng, ông Dũng trải qua nhều công việc làm thuê từ xịt thuốc, rải phân cho đến làm cỏ, đắp bờ, ai thuê gì thì ông làm nấy; còn vợ ông, ngoài làm mướn còn chăn nuôi thêm gà, vịt để có thu nhập lo cho gia đình và nuôi các con.

Không đầu hàng trước cảnh nghèo, khó khăn, ông Dũng đã tìm tòi, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả để áp dụng cho gia đình. Được Hội CCB xã giới thiệu tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, năm 2015, ông Dũng đã mạnh dạn đầu tư hơn 70 triệu đồng để xây bồn nuôi lươn thương phẩm. Vụ lươn đầu tiên, ông Dũng thả nuôi 7.000 con lươn. Sau 10 tháng nuôi, ông thu hoạch được hơn 2 tấn lươn thịt, bán với giá từ 130 - 180 ngàn đồng/kg, giúp ông có lời khoảng 100 triệu đồng.

Với thành công bước đầu, năm 2016, ông Dũng tiếp tục xây thêm bồn để tăng số lượng nuôi lên 10.000 con lươn/vụ. Theo ông Dũng, nuôi lươn cũng dễ nhưng phải tốn chi phí đầu tư xây bồn, đổ đất bùn và cho cây bắp vào bồn nuôi. Hằng ngày, ông mua cá, ốc bươu vàng về nấu chín rồi trộn với thức ăn và xay nhuyễn cho lươn ăn. Đồng thời, ông Dũng cũng chủ động đi học tập kỹ thuật nuôi, phòng bệnh cho lươn để lươn không bị hao hụt. Nhờ đó mà các vụ lươn của ông Dũng đều đạt năng suất. Từ năm 2020 đến nay, ngoài nuôi lươn thịt, ông Dũng còn tuyển chọn những con lươn tốt để nuôi lươn sinh sản nhằm chủ động nguồn lươn giống và bán lươn con kiếm lời. Theo ông Dũng, lươn con nuôi khoảng 3 tháng là con thể bán, với giá dao động từ 2.500 - 5.000 đồng/con. Với sự cần cù, chịu khó, ông Dũng có lợi nhuận trên 120 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi lươn thịt kết hợp nuôi lươn sinh sản, giúp kinh tế gia đình ngày một khấm khá và mua được 50 công đất.

Ông Dũng bộc bạch: “Lúc trước, gia đình tôi rất khó khăn, di chứng thương tật cứ hành đau nhức nên tôi làm lụng cũng bị hạn chế. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, mình phải quyết tâm làm để có cuộc sống tốt hơn và không là gánh nặng cho xã hội. Từ đó, vợ chồng tôi phấn đấu làm ăn để có thành quả như hôm nay”. Không chỉ vượt khó phát triển kinh tế gia đình, ông Dũng còn tích cực chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm nuôi lươn cho nhiều hội viên CCB trên địa bàn ấp. Điển hình như CCB Võ Văn Thanh (SN 1974) ngụ cùng ấp đã được ông Dũng chia sẻ kinh nghiệm nuôi lươn thịt. Mỗi vụ, ông Thanh thả nuôi khoảng 6.000 con lươn. Sau khi trừ chi phí, ông Thanh có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/năm, giúp ông cải thiện cuộc sống gia đình.

Ngoài ra, ông Dũng cũng tham gia công tác an sinh xã hội thông qua việc trích tiền cá nhân để trao tặng nhiều phần quà, dụng cụ học tập cho con em của hội viên CCB trong ấp có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời góp ngày công lao động cùng địa phương sửa chữa các tuyến đường nông thôn; tham gia vận động người dân làm hàng rào, cột cờ, giữ gìn vệ sinh môi trường… góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Quan Ngoan - Chủ tịch Hội CCB xã Phú Thành A, huyện Tam Nông cho biết: “Phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Lâm Văn Dũng luôn nỗ lực vươn lên, làm một người có ích cho xã hội, tích cực tham gia công tác Hội và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm. Ông Dũng còn là hội viên đi đầu, gương mẫu trong các phong trào thi đua do Hội CCB xã phát động, đặc biệt, ông rất sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình. Từ một hộ khó khăn đã vươn lên khá giàu và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ các hội viên khác trong phát triển kinh tế. Tấm gương của ông Dũng đã góp phần lan tỏa tinh thần, ý chí, nghị lực vượt khó để các hội viên khác học tập và làm theo”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn