Đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 4 huyện cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19

Cập nhật ngày: 13/09/2021 20:38:25

ĐTO - Chiều ngày 13/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh có các đồng chí: Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh; Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Đồng chí Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh dự tại điểm cầu TP Sa Đéc.


Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh 

Trong ngày, toàn tỉnh ghi nhận 59 ca mắc Covid-19 (tăng 10 ca so ngày hôm qua). Trong đó, có 35 ca trong các cơ sở cách ly tập trung; 7 ca trong khu vực phong tỏa; 17 ca trong cộng đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 7.941 ca mắc Covid-19; có 6.486 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị khỏi và xuất viện. Có 97 “vùng xanh” được UBND cấp huyện công nhận, 1.048 “vùng xanh” do UBND cấp xã công nhận. Trong ngày 13/9, toàn tỉnh đã xử phạt hành chính 53 trường hợp với tổng số tiền là 105 triệu đồng, chủ yếu các hành vi ra đường khi không cần thiết. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, qua những ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 giai đoạn 5 trên địa bàn tỉnh, các tiểu ban, địa phương đã có sự vào cuộc quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương đã tập trung thực hiện tốt công tác tầm soát, lấy mẫu; có 4 địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch gồm: huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tân Hồng và Tam Nông. Tuy nhiên, hiện nay còn một số vấn đề lo ngại là tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung và các ca mắc trong cộng đồng vẫn còn. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các địa phương cần tiếp tục tầm soát lại những vùng nguy cơ cao, vùng nghi ngờ để làm sạch F0 trong cộng đồng, giữ vững các “vùng xanh”; khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trong giai đoạn mới sau ngày 15/9/2021, trong đó gắn công tác phòng, chống dịch Covid-19 với khôi phục phát triển sản xuất; chú trọng nắm bắt tình hình dư luận xã hội để định hướng, xử lý kịp thời; quan tâm hỗ trợ đời sống người dân, đảm bảo công tác an sinh xã hội. 

Dịp này, UBND tỉnh đã tổ chức lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Mục tiêu chương trình là hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh có điều kiện, phương tiện học trực tuyến trong năm học mới trong điều kiện tỉnh đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo và địa phương toàn tỉnh hiện nay có gần 40.000 học sinh từ cấp 1 đến cấp 3 gặp khó khăn trong việc trang bị đủ điều kiện để tham gia học trực tuyến. 

Để hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu ngành giáo dục triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” một cách kịp thời và hiệu quả; ngành giáo dục và các địa phương thực hiện rà soát thật kỹ, chính xác các trường hợp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh thật sự khó khăn chưa có phương tiện tham gia học trực tuyến để từ đó có giải pháp hỗ trợ cho các em; tăng cường vận động các nguồn lực hỗ trợ học sinh, sinh viên, việc vận động hỗ trợ có thể linh hoạt thực hiện bằng nhiều hình thức. Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh tùy theo khả năng, điều kiện thực tế của mình có thể đóng góp 1 đến 3 ngày lương để tạo nguồn lực hỗ trợ cho các em học sinh, sinh viên.


Bà Nguyễn Thúy Hà - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (bên phải) nhận bảng tượng trưng từ đại diện VNPT Đồng Tháp hỗ trợ chương trình “Sóng và máy tính cho em” 

Tại lễ phát động, nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong ngoài tỉnh đã ủng hộ số tiền 543 triệu đồng và 350 máy vi tính cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

MỸ XUYÊN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn