Khởi sắc sức sống vùng biên

Cập nhật ngày: 07/01/2015 13:53:57

Đồng Tháp có chiều dài biên giới 54km, giáp với Vương quốc Campuchia, có 8 xã vùng biên là Thông Bình, Tân Hộ Cơ, Bình Phú, Bình Thạnh, Tân Hội, Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B và Thường Phước. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền của tỉnh, hơn 27 ngàn hộ sống ở các xã biên giới đã có những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng và tình hình an ninh trật tự biên giới, nhất là sau một năm triển khai thực hiện đề án về vấn đề này tại các xã biên giới.


Cửa khẩu quốc tế Dinh Bà (ảnh B.P)

Bằng sự đồng thuận, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân vùng biên giới đã tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, chủ động vượt qua khó khăn, thách thức, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đến nay, 8 xã biên giới đều có đường ô tô đến trung tâm xã, 98% hộ dân sử dụng điện lưới, 8/8 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; hoạt động kinh tế biên mậu và dịch vụ có bước phát triển khá, các chợ xã, chợ trung tâm Thường Phước và cửa khẩu quốc tế Dinh Bà được đầu tư nâng cấp, tạo thuận lợi bước đầu cho việc giao thương, trao đổi hàng hóa tại khu vực biên giới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 28,41% xuống 14,9% (giai đoạn 2011 – 2013); công tác xóa nhà tạm bợ, dột nát cho người nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả. Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách và đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được chú trọng thực hiện...

Nhìn chung, bộ mặt nông thôn 8 xã biên giới đã có những chuyển biến tích cực, thay đổi dần diện mạo, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, ổn định cơ bản về chỗ ở, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, nâng cấp, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế biên giới phát triển, gắn với bảo đảm quốc phòng – an ninh. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động chưa được quan tâm, nhất là trong việc triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự vùng biên giới; hiệu quả sản xuất của người dân chưa cao; kinh tế mậu biên và dịch vụ phát triển chưa đồng bộ, còn nhiều yếu kém; sản xuất tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, chưa đóng góp nhiều trong chuyển đổi cơ cấu, tạo việc làm tại chỗ. Đời sống người dân còn khó khăn, lao động có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu là lao động thủ công. Kết cấu hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống cửa khẩu biên giới phát triển chậm, việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn...

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, tập trung thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thực hiện gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện tốt phong trào  chung sức thi đua xây dựng nông thôn mới; ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng các xã biên giới; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư. Phát triển sản xuất, hỗ trợ tìm việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân nông thôn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn biên giới, tạo thuận lợi để người dân vươn lên trong cuộc sống, xây dựng quê hương...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã đánh giá cao vai trò của kinh tế vùng biên giới, đồng thời yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng biên giới cần phải tận dụng và phát huy những điều kiện sẵn có để làm cho khu vực biên giới ngày càng phát triển. Xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, hoàn thiện nhiều mô hình phát triển kinh tế để xây dựng xã biên giới hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện tốt nhất để người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

HOAN HUYỀN

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn