Một trái tim lớn ngừng đập

Cập nhật ngày: 03/02/2016 12:00:26

Những ngày gần đây, tin từ Bệnh viện Thống Nhất báo tình trạng bệnh của đồng chí Trần Anh Điền ngày càng xấu hơn, đồng chí đã đi vào hôn mê. Các thầy thuốc ở đây đã cố gắng tối đa để kéo dài sự sống đồng chí qua khỏi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, để Trần Ngọc Ẩn - con đồng chí cùng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp dự Đại hội trở về.

Đến 3 giờ 20 phút ngày 1/2/2016, trái tim của đồng chí ngừng đập, sau 94 năm của cuộc đời.

Trước mắt tôi một tượng đài sống sinh động, phong phú đã chuyển sang bức tượng đồng! Nguồn nước lịch sử tỉnh nhà thôi không chảy nữa!

Cách đây hai tháng, dù sức khỏe không còn tốt, đi lại bằng gậy, đồng chí vẫn cặm cụi ngồi viết trên 22 mặt giấy góp ý với tôi về bản thảo tiểu sử đồng chí Nguyễn Văn Phối - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Kiến Phong, là liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tôi khâm phục trí nhớ minh mẫn tuyệt vời của đồng chí. Đồng chí đóng góp những ý, những vấn đề cụ thể về đồng chí Nguyễn Văn Phối, mà tầm nhìn, hiểu biết của tôi không sao với tới.

Những kỷ niệm đầy ắp cuộn về. Những năm tháng đồng chí Trần Anh Điền là Phó Bí thư rồi Bí Thư Tỉnh ủy Kiến Phong từ sau năm 1954 tới 1973 nổi trội lên những việc mà tôi và nhiều người tâm đắc.

Thời kỳ đấu tranh chính trị hòa bình đòi Mỹ - Diệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đồng chí là một người trong Tỉnh ủy Kiến Phong kiên quyết bảo lưu ý kiến xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh nhà, hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phá các chính sách phản động của địch, bảo vệ cơ sở Đảng trước sự đánh phá điên cuồng của Mỹ - Diệm. Kết quả qua 6 năm “đấu tranh hòa bình” từ cuối 1954, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy mà đứng đầu là đồng chí Nguyễn Văn Phối, Tỉnh ủy Kiến Phong đã xây dựng và duy trì lực lượng vũ trang, tấn công địch bằng cả chính trị và võ trang, kết hợp 3 mũi chính trị - võ trang - binh vận, mà trận thắng Giồng Thị Đam - Gò Quản Cung ngày 23/9/1959 là một minh chứng sinh động. Qua báo cáo lãnh đạo và phong trào đấu tranh chính trị - võ trang ở tỉnh Kiến Phong của đồng chí Nguyễn Văn Phối trong cuộc họp liên Tỉnh ủy miền Trung Nam bộ có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong Khu về dự, cuối tháng 12/1959, đồng chí Nguyễn Minh Đường - Bí thư Liên Tỉnh ủy đã cười vui, không “rầy” Tỉnh ủy Kiến Phong vi phạm đường lối mà đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối, giúp Liên Tỉnh ủy và Đảng ta đúc kết thành lý luận, phương pháp cách mạng miền Nam phải bằng hai chân, ba mũi giáp công. Kỳ tích đó có đóng góp trí tuệ, bản lĩnh của đồng chí Trần Anh Điền.

Sau phong trào nổi dậy - tấn công, mở nhiều vùng giải phóng ở nông thôn, là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Trần Anh Điền đã tổ chức học tập, triển khai đường lối hai chân, ba mũi giáp công, làm chuyển biến nhận thức trong Đảng và thành hành động của quân dân tỉnh nhà. Đồng chí Trần Anh Điền là vị nhạc trưởng chỉ huy giàn nhạc hòa tấu bản giao hưởng hào hùng đó suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Mỗi lần Mỹ thay đổi chiến lược, chiến thuật, tăng cường võ khí, phương tiện đấu tranh hiện đại, như trực thăng vận, thiết xa vận, xây ấp chiến lược, chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông, thuyền bay, máy bay B.52 tại chiến trường đồng nước... là một lần nắn gân, nắn thần kinh Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà. Ban đầu gây cho ta không ít thiệt hại, băn khoăn, lo lắng, song dưới sự chỉ huy tài giỏi của người lãnh đạo, chúng ta cũng tìm ra được điểm yếu của địch, biết cách tấn công, góp phần làm phá sản mọi chiến lược, chiến thuật phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Bản lãnh chính trị của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Anh Điền được chứng minh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Khu ủy Trung Nam bộ được đưa về làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Nỗi trăn trở, ray rứt của đồng chí là tỉnh có Đồng Tháp Mười rộng lớn mà dân không đủ lúa ăn, phải nhờ Trung ương chi viện. Vậy là Tỉnh ủy Đồng Tháp qua Đại hội lần thứ I năm 1976, đã chủ trương tiến công vào Đồng Tháp Mười, nhằm khai thác tiềm năng của cánh đồng rộng lớn đang hoang hóa, nặng phèn. Vận dụng sự giúp đỡ của Trung ương (trực tiếp là đồng chí Võ Văn Kiệt), trí tuệ của các nhà khoa học, các lão nông tri điền, đồng chí cùng “bộ sậu” tâm huyết Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Thế Hữu, Lê Văn Liêu (Lê Hiếu)... với sự hỗ trợ của Bộ Thủy lợi và các vị Hồ Chín, Võ Tòng Xuân... cùng hàng vạn nông dân Đồng Tháp khai kinh dẫn nước ngọt, ém phèn, khai hoang cả cánh Đồng Tháp Mười phần thuộc tỉnh Đồng Tháp, biến cánh đồng hoang mông quạnh thành vùng dân cư, hai, ba vụ lúa/năm, đưa sản lượng lúa năm 2015 lên hơn 3 triệu tấn. Lại một lần nữa tỏ rõ bản lĩnh tài năng của một người lãnh đạo.

Nét nổi bật của đồng chí là rất quan tâm đào tạo lực lượng trẻ. Mạnh dạn đưa cán bộ trẻ đi học các trường chính trị, chuyên môn về giao những việc quan trọng. Việc chưa từng có là đồng chí đưa cả Bí thư Đảng ủy xã ứng cử vào cấp ủy tỉnh. Không ít cán bộ trẻ trưởng thành qua sự dìu dắt, tin tưởng của đồng chí, đảm nhận những trọng trách của tỉnh, không phụ lòng Tam Nông của đồng chí Trần Anh Điền.

Suốt cuộc đời, kể cả những năm nghỉ hưu, đồng chí Trần Anh Điền luôn đau đáu một tấm lòng vì Đảng, vì dân. Đồng chí vui khi dân vui, trăn trở trước những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng người dân, luôn nhắc nhở Tỉnh ủy, các ban, ngành phải gần dân, sát dân, toàn tâm toàn ý lo cho dân. Đồng chí bứt rứt trước những biểu hiện cửa quyền, mất lòng dân của một số cán bộ, đảng viên. Đồng chí thương dân, lo cho dân nên dân rất tin, rất thương đồng chí, có gì thắc mắc, chưa rõ đều đến nhà đồng chí nhờ giải đáp. Suốt ngày, cửa cổng nhà đồng chí đều rộng mở đón người.

Chúng tôi, những người công tác sử học, đồng chí mất đi, khiến chúng tôi mất đi một chỗ dựa đáng tin cậy, một người am hiểu và có trí nhớ tuyệt vời về cách mạng tỉnh nhà. Gần đây, yếu nhiều, đồng chí vẫn nhắc đến việc chưa chỉnh lý 3 quyển lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà đã phát hành dạng sơ thảo. Đồng chí qua đời, chúng tôi thấy mình có lỗi chưa làm tròn trước tấm lòng thiết tha đó của đồng chí.

Cuộc đời của một con người ưu tú, khó nói hết trong mấy chục dòng. Trái tim đồng chí ngừng đập, khiến toàn thể Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà, bạn bè đồng chí ở các nơi cảm thấy bàng hoàng, tiếc thương. Nói mấy cũng bằng thừa! Thôi, đồng chí an tâm mà đi vào cõi người hiền, lớp lớp hậu thế chúng tôi nguyện đi theo con đường đồng chí đã đi. Những dòng này thay nén tâm nhang đốt lên, kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí!

Nguyễn Đắc Hiền

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn