Năm của những quyết sách đột phá

Cập nhật ngày: 15/02/2015 17:28:59

365 ngày của năm 2014 đã đi qua với những cung bậc cảm xúc thật đặc biệt! Nhiều tín hiệu lạc quan, những khởi đầu tốt đẹp nhưng cũng không ít lo toan, bộn bề trước những biến động không ngừng của đời sống và xã hội. Dù ở cương vị nào, mỗi người chúng ta đều cần những phút giây lắng đọng lòng mình để nhìn lại, soát xét lại và vững tin tiến bước vào vòng quay của ngần ấy thời gian trong năm mới!

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan tặng hoa cho ngài Hashimoto Masaru, Thống đốc tỉnh Ibaraki Nhật Bản nhân chuyến thăm tỉnh Đồng Tháp

XÂY DỰNG ĐỀ ÁN TỪ NHỮNG TIỀM NĂNG

Cứ mỗi lần tiếp xúc cử tri, tôi lại ray rứt trước những kiến nghị của bà con nông dân như: phải làm thế nào để giá phân bón, vật tư nông nghiệp giảm, kiểm soát được hàng gian, hàng giả; lúa, cá, hoa màu bán được giá, nông dân có lãi cao... Tôi hiểu đó là niềm đau đáu của bà con khi bước vào mùa mới, nỗi thấp thỏm khi vụ thu hoạch cận kề, là mong muốn chính đáng của những người luôn dãi dầu một nắng, hai sương. Tuy nhiên, chúng ta không thể đứng ngoài vòng quay của kinh tế thị trường, khi mà giá cả hàng hóa được quyết định bởi quy luật cung cầu, khi mà việc "trúng mùa, mất giá" không thể được xem là nghịch lý... Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh ra đời trong bối cảnh như thế! Tôi xem đây là một quyết sách quan trọng, bởi nó được hun đúc, kết tinh trong gian khó, chất chứa từ những nỗi vất vả, nhọc nhằn của người nông dân và mang theo cả sự kỳ vọng về sự bứt phá mạnh mẽ để vươn lên của quê nhà. Đề án tập trung giải quyết 3 vấn đề mang tính cốt lõi, đó là "hợp tác", "liên kết"và "định vị sản xuất theo thị trường". Chúng ta không hướng đến nâng cao giá bán các nông sản trong một thị trường "trăm người bán, vạn người mua". Chúng ta hướng tới bằng mọi phương cách, làm giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các mặt hàng nông sản, tận dụng các loại phụ phẩm, phế phẩm chế biến thành những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Làm được những điều đó chính là tăng lợi nhuận cho người sản xuất.

Ông bà ta đã đúc kết: "tư tưởng không thông, vác bình tong không nổi". Nếu nông dân và doanh nghiệp, những chủ thể của tiến trình tái cơ cấu chưa thông suốt và không vào cuộc thì Đề án dù có hay đến mấy cũng sẽ không đi đến cùng của sự thành công. Tôi thật sự vui mừng khi trong năm qua đã có rất nhiều nỗ lực làm cho chủ trương này đi vào đời sống và mang lại những tín hiệu khả quan. Với ý chí của những người chinh phục Đồng Tháp Mười hơn 30 năm trước, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc một cách quyết liệt, từ tỉnh lan tỏa xuống đến cơ sở, đến tận cộng đồng dân cư, ra từng khu vườn, mảnh ruộng, bờ ao. Chúng ta tận dụng từng lợi thế nhỏ nhất, tháo gỡ từng nút thắt, vượt qua từng điểm nghẽn, đồng thời tác động với Trung ương để hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nông nghiệp tỉnh nhà. Từ sự đồng thuận xã hội đã làm tăng sức mạnh nội tại để chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế. Nhiều tín hiệu mới đã mở ra khi chúng ta vừa ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC), tăng cường hợp tác với Hà Lan, Nhật Bản trong phát triển nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực không chỉ đẩy nhanh tiến trình thực hiện Đề án mà còn giúp chúng ta thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, tiếp cận nhanh hơn, đúng đắn hơn với quy luật thị trường và chuỗi giá trị trong từng ngành hàng theo xu hướng mới.

Không chỉ bứt phá ở lĩnh vực nông nghiệp, năm 2014, chúng ta còn cảm nhận được sự đổi thay rõ nét về phát triển du lịch, trong cách làm du lịch trên vùng đất Sen Hồng. "Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng" không chỉ đơn thuần là chủ trương, là quan điểm nhất quán của những người lãnh đạo mà nó xuất phát từ chính trong đời sống thực tiễn, từ những tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất Tháp. Từ đó, chúng ta đã biến sự mờ nhạt, thiếu định hướng trong phát triển du lịch thành những điểm sáng, đồng thời phác họa và định vị cho từng tuyến, điểm du lịch theo chuyên đề và sản phẩm đặc thù, tạo sự hấp dẫn riêng và trở thành sự ưu tiên lựa chọn của du khách.

Để du lịch "Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen" trở thành ngành kinh tế quan trọng, chúng ta đã hướng đến việc xây dựng từ chiến lược dài hạn đến kế hoạch ngắn hạn, từ định hướng tổng thể đến kế hoạch cụ thể của từng cơ sở du lịch, có sự phân định rõ trách nhiệm từng ngành, từng cấp. Du lịch là ngành cần những ý tưởng sáng tạo, chính vì vậy, không được phép trói mình vào những nếp nghĩ cũ mà phải tạo được cảm hứng để khơi nguồn cho những ý tưởng mới. Chúng ta dồn sức phát triển du lịch không chỉ nhằm mục tiêu kinh tế mà còn góp phần tạo việc làm cho lao động trong quá trình tái cơ cấu, tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề một cách hiệu quả; để du lịch trở thành trách nhiệm và là niềm tự hào đối với quê hương xứ sở. Có quan điểm rõ ràng, nhất định chúng ta sẽ tạo được sức bật mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đầu tư của nhiều thành phần kinh tế cho phát triển du lịch tỉnh nhà.

Ngoài ra, trong năm, chúng ta cũng đã tái khởi động thêm một chương trình trọng điểm, đặt nền móng cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội của những năm tới - Chương trình đưa lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài. Đây là một giải pháp quan trọng giúp chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thành một nguồn nhân lực kỹ thuật cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà. "Ra đi làm thuê để trở về làm chủ", đó là mục tiêu sâu xa của chương trình này.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đến khảo sát một tuyến đường đan vừa đưa vào sử dụng tại xã nông thôn mới Hòa An, TP.Cao Lãnh

KHÔNG CÒN "SỢ MỘT KẺ GIAN LÀM NGÀN NGƯỜI KHÓ"

Năm qua, chúng ta đón nhận những tín hiệu vui trên lĩnh vực cải cách hành chính. Đầu tiên là khước từ kiểu suy nghĩ "Sợ một kẻ gian làm ngàn người khó", rà soát và bãi bỏ những thủ tục rườm rà, hành dân,... Tiếp đó là sự thay đổi thái độ ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, hay nói rộng hơn là của hệ thống cơ quan công quyền các cấp, nhất là ở cơ sở. Chỉ với một việc gỡ bỏ vách ngăn tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhưng chúng ta đã làm được một việc lớn hơn nhiều, đó là đã dần bỏ đi một ranh giới vô hình tưởng chừng khó vượt qua giữa chính quyền và nhân dân, hướng tới sự bình đẳng trong vị thế giữa người dân và cơ quan công quyền. Việc làm nêu trên lan tỏa nhanh ra toàn tỉnh, mang lại một hình ảnh tươi mới, ý nghĩa về chính quyền phục vụ, gần gũi, thân thiện với người dân. Chúng ta càng "thông"được tư duy mới sẽ càng nghĩ ra nhiều phương cách mới, càng rút ngắn được thời gian giải quyết công việc, càng giảm phiền hà cho người dân. Nhiều địa phương đã thực hiện giao trả hồ sơ tận nhà cho người dân hay ứng dụng công nghệ thông tin để mọi người có thể chủ động nhắn tin theo dõi quá trình giải quyết hồ sơ một cách dễ dàng, hướng đến mục tiêu minh bạch hóa mọi hoạt động của chính quyền.

Gần đây, nhiều nơi còn gửi thư chúc mừng khi bà con có những sự kiện trọng đại như: khai sinh, kết hôn, xây nhà mới; đồng thời, có thư chia buồn khi gia đình mất người thân, hỏa hoạn, thiên tai... Làm được như vậy, chúng ta đã thật sự vui với cái vui của dân và buồn với cái buồn của dân, chúng ta biến những khẩu hiệu "Chính quyền của dân, do dân và vì dân" trở thành những điều thật gần gũi, thật đời thường, thật dễ cảm nhận, từng cán bộ, công chức đã thấm nhuần được giá trị của cụm từ "phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân". Thật ấm lòng khi thấy nhiều nụ cười, nhiều lời xin lỗi, những câu cám ơn từ chính sự chân thành chứ không phải gò ép của đội ngũ cán bộ, công chức. Đó chính là giá trị thực của người "công bộc của dân"chứ giá trị không phải từ chức vụ được giao - từ "chiếc ghế"chúng ta được trao.

... PHẢI ĐƯA CUỘC SỐNG VÀO NGHỊ QUYẾT!

Chúng ta đang hoạch định cho một nhiệm kỳ mới. "Muốn đưa nghị quyết đi vào cuộc sống thì trước hết phải đưa cuộc sống vào nghị quyết". Cuộc sống không chấp nhận những lý thuyết suông, những lối mòn trong nếp nghĩ, chúng ta phải có cách tiếp cận để hành động phù hợp. Từng tổ chức đảng và người đứng đầu phải biết "mở lòng", phải bước ra ngoài xã hội, xuống tận cộng đồng dân cư để đón nhận, từ đó những ý tưởng tâm huyết, những phát kiến mới, làm cho "lòng dân" hòa quyện cùng "ý Đảng", trở thành những quyết sách vừa mang tính thực tiễn cao, vừa thể hiện được sự khát vọng của con người đất Sen Hồng. Tôi luôn tâm đắc và mang theo bên mình nỗi trăn trở về câu nói của Cố Tổng Bí thư Trường Chinh: "Nhân dân cần phải và hoàn toàn có khả năng tham gia ý kiến ngay trong quá trình xác định những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Về nguyên tắc, điều đó không có gì mới, nhưng trong thực tế thì nó là rất mới, vì nhiều thập kỷ trước đó, những chủ trương được xác định ở những cấp cao nhất, thậm chí ở người có vị trí cao nhất, không được bàn cãi".

Thời gian qua, chúng ta đã tổ chức tham vấn ý kiến các nhà khoa học đầu ngành từ các viện, trường, đến những chuyên gia giàu kinh nghiệm để góp ý cho tỉnh nhà và đã thu nhận được nhiều ý kiến quý báu để những gì chúng ta hoạch định không chỉ là một "ước mơ" mà phải phù hợp với quy luật vận động của xã hội. Các nghị quyết, kế hoạch phát triển phải thích ứng với sự thay đổi không ngừng. Cuộc sống không dừng lại để chờ đợi ai, người nào đi trước và đi đúng cách, người đó sẽ về đích trước. Đừng để lối mòn trong nếp nghĩ bào mòn khát vọng của chúng ta!

TỪ TƯ DUY HỆ THỐNG... ĐẾN HÀNH ĐỘNG HỆ THỐNG

Mọi hoạt động đều có tính đa chiều, tác động lẫn nhau, không thể tách rời từng mặt để phân định. Lối tư duy hệ thống giúp chúng ta không rơi vào phiến diện, cục bộ, duy ý chí. Đôi khi những bất đồng xuất phát từ cách tiếp cận quá khác biệt: quá khứ và hiện tại, bản chất và hiện tượng, phổ biến và cá biệt,.. . Tôi muốn đề cập đến vấn đề này khi chúng ta triển khai những kế hoạch mới, xây dựng mô hình mới. Chúng ta hay nói đến "phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị", điều đó cho thấy cần sự vận hành nhịp nhàng trong toàn bộ hệ thống. Mỗi tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng, nhưng phải hành động vì mục tiêu chung. Tôi cho rằng, triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là "phép thử" của tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Rất vui khi nhiều địa phương đã chủ động triển khai với nhiều sáng tạo, không thụ động trong chờ. Chúng ta cần cổ vũ cho những chuyển động tích cực như vậy.

Một mùa Xuân nữa lại về mang đến tất cả chúng ta nhiều niềm hứng khởi. Thay mặt lãnh đạo tỉnh và với tình cảm cá nhân, tôi thân ái gửi đến các đồng chí cán bộ về hưu, các gia đình chính sách, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh nhà, quý doanh nhân, bà con nông dân, quý bạn đọc gần xa lời chúc "An lành, hạnh phúc, nhiều niềm vui trong công việc và cuộc sống!".

"Không tự ti, giảm tự tôn, tăng tự tin và biết tự hào" - Đó chính là phương châm hành động của người Đồng Tháp trong quá trình phát triển quê hương mình thời gian tới!

LÊ MINH HOAN - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn