Huyện Hồng Ngự

Nghị quyết tam nông đi vào cuộc sống

Cập nhật ngày: 16/09/2013 06:06:08

Trong những năm qua, huyện Hồng Ngự triển khai, thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (tam nông) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tích cực vào việc tăng trưởng kinh tế của huyện.


Đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

Tính đến nay, huyện Hồng Ngự đã triển khai hệ thống đê bao khép kín vững chắc, hạ tầng thủy lợi khu 2.600ha ở xã Thường Thới Tiền, Thường Phước 2 và xây dựng thủy lợi nội đồng, bơm tiêu chống úng ở một số xã để hình thành vùng sản xuất 3 vụ, với tổng diện tích trên 6.600ha. Đây là cơ sở làm tiền đề cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, tạo bước chuyển tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đang triển khai. Bên cạnh đó, huyện đã quy hoạch vùng nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ, xây dựng vùng chuyên canh sản xuất giống cá tra, vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn.

Địa phương xác định để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế tiềm năng hiện có, huyện đang chủ trương xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng đê bao kiên cố. Ước tính đến cuối năm 2013, tổng diện tích gieo trồng sẽ đạt gần 35.000ha, trong đó diện tích trồng lúa trên 30.000ha, đạt tổng sản lượng gần 2.000 tấn.

Cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất được quan tâm đầu tư. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện triển khai 102 hạng mục công trình phục vụ tưới tiêu, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao vượt lũ, với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Tăng cường đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đến nay toàn huyện có 104 máy gặt đập liên hợp, 228 máy xới tay, 148 máy cày, 61 lò xấy... Ngoài ra, địa phương chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng để hình thành vùng sản xuất rau an toàn ở xã Long Thuận, với diện tích chuyên canh màu trên 160ha; cánh đồng sản xuất mè ở xã Thường Phước 1 và Thường Phước 2, diện tích trên 200ha; vùng sản xuất giống ở một số xã đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời, huyện có chủ trương triển khai, thực hiện cách đồng liên kết diện tích 200ha ở một số xã trọng điểm, liên kết với bao tiêu sản phẩm.

Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng, người dân đều được hướng dẫn và biết cách áp dụng, giúp giảm bớt tình hình sâu bệnh, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.

Bước đầu thực hiện Nghị quyết về tam nông, huyện còn tồn tại một số hạn chế: chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp còn chậm, chuyển diện tích sản xuất lúa sang hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày chưa nhiều; hạ tầng giao thông phát triển chậm, chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất; sản xuất chưa gắn với tiêu thụ sản phẩm, kinh tế hợp tác còn chậm đổi mới nội dung phương thức hoạt động nên hiệu quả chưa cao. Trên cơ sở đó, địa phương tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ở những vùng chuyên canh đã quy hoạch; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền về nông nghiệp và phát triển nông thôn, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững; từng bước gắn kết với Trung tâm xúc tiến thương mại của tỉnh và các ngành có liên quan để sản phẩm hàng hóa có hướng đi đúng đắn.

Nghị quyết 26, Hội nghị TW7 về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” được thực hiện đúng hướng và phù hợp sẽ tạo tiềm lực cho ngành nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, góp phần tích cực trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn