Nghĩa cử cao đẹp từ các hoạt động tri ân người có công với cách mạng

Cập nhật ngày: 27/07/2022 10:22:49

ĐTO - Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh luôn quan tâm công tác chăm lo cho người có công với cách mạng từ tỉnh đến cơ sở. Thể hiện qua nhiều phần việc cụ thể, thiết thực, như: tổ chức thăm hỏi, kịp thời giải quyết chế độ chính sách liên quan giúp người có công và gia đình chính sách ổn định cuộc sống. Toàn tỉnh có 143/143 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong trao quà cho người có công với cách mạng tiêu biểu

Nhiều việc làm thiết thực

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, trong chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn Campuchia, Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc và chịu nhiều mất mát, hy sinh. Tính đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 62.319 đối tượng chính sách, trong đó có hơn 8.900 đối tượng được công nhận, hiện đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Tổng kinh phí hằng năm thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng, một lần đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên 224 tỷ đồng.

Ngoài các đối tượng được công nhận theo Pháp lệnh ưu đãi người có công, tỉnh đã lập thủ tục công nhận và giải quyết các chế độ trợ cấp ưu đãi khác theo quy định của Chính phủ. Người có công và thân nhân người có công với cách mạng, ngoài nhận chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng và một lần, còn được hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế; được xét miễn, giảm tiền sử dụng đất nếu có hoàn cảnh khó khăn về đất ở theo quy định. Trong toàn tỉnh, trên 3.500 người có công đã già yếu không đủ sức khỏe, được hỗ trợ điều dưỡng tại gia đình, 21 ngàn người có công với cách mạng và thân nhân người có công được mua thẻ bảo hiểm y tế; khi các đối tượng chính sách gặp khó khăn, bệnh tật đột xuất, đều được các ngành, các cấp thăm hỏi động viên kịp thời.

Song song với phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa vào các nghĩa trang hoặc về gia đình cải táng được các cấp, các ngành phối hợp thực hiện khá chu đáo. Đến nay, đã tổ chức cất bốc, quy tập được 18.315 hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, trong đó có gần 1.820 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia được Đội K91 quy tập đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Tam Nông cải táng. Trong những năm qua, ngành lao động - thương binh và xã hội đã lập thủ tục cho di chuyển 410 hài cốt liệt sĩ về quê cải táng theo nguyện vọng của gia đình để tiện việc thăm viếng và chăm sóc phần mộ. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 nghĩa trang liệt sĩ, 2 đền thờ ghi tên liệt sĩ cấp huyện và 40 nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn đã được đầu tư sửa chữa khang trang, sạch đẹp để thân nhân liệt sĩ và Nhân dân đến viếng...


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Thắng (bên trái) trao quà tri ân người có công với cách mạng tiêu biểu

Chính quyền địa phương còn chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện các hoạt động phong trào gắn với công tác quan tâm đối tượng chính sách tại các địa phương. Chủ động triển khai huy động các nguồn lực từ cộng đồng quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đưa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” trở thành phong trào sâu rộng trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các tổ chức, cá nhân, sự quan tâm của các cấp, các ngành đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công; bản thân các thương binh, thân nhân liệt sĩ luôn phát huy phẩm chất cách mạng, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, nuôi con giỏi, dạy con ngoan, tham gia tích cực công tác xã hội ở địa phương.


Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, tặng quà gia đình ông Lê Văn Nghiệp tại khóm An Lộc, phường An Bình A, TP Hồng Ngự

Chăm lo cho người có công với cách mạng

Bên cạnh những hoạt động chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng chăm sóc người có công”. Các hoạt động, phong trào đã thể hiện sự tri ân, bù đắp phần nào mất mát, hy sinh của những đối tượng chính sách và người thân của họ đã cống hiến tuổi xuân, xương máu cho đất nước, giúp họ có cuộc sống ổn định về vật chất và tinh thần. Nổi bật như phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, đến nay, đã vận động đóng góp quỹ đạt trên 206 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các hoạt động hỗ trợ về nhà ở đối với người có công với cách mạng tổng số 19.920 căn (gồm xây dựng mới 13.748 căn, sửa chữa 6.172 căn), tổng số tiền trên 437 tỷ đồng;...


Đồng chí Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Sâm (SN 1933) ngụ xã Thông Bình, huyện Tân Hồng

Đến nay, tất cả các Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các đơn vị và tập thể nhận phụng dưỡng đến cuối đời, mức phụng dưỡng hàng tháng từ 500.000 đồng trở lên. Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhận được sự đóng góp tích cực của các đơn vị: Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Đồng Tháp; Công ty CP xuất nhập khẩu Y tế Domesco; Công ty CP Dược phẩm Imexpharm; Tổng Công ty Điện lực Miền Nam, Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Đội K91 - BCH Quân sự tỉnh; Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup, cùng rất nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia. Chị Đinh Thanh Xuân ngụ Khóm 3, Phường 4, TP Cao Lãnh cho biết: “Bà nội tôi là Mẹ Việt Nam anh hùng - Phan Thị Bời, năm nay 94 tuổi. Hàng năm, chính quyền địa phương rất quan tâm, thường xuyên đến viếng thăm, phụng dưỡng và khám sức khỏe định kỳ. Mỗi dịp mừng thọ của cụ cũng đều có chính quyền đến thăm, chúc mừng. Gia đình chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc và mong rằng trong thời gian tới, công tác này tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa để bà nội của tôi sống vui, sống khỏe những năm tháng tuổi già...”.


Đại diện Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup (bên trái) trao quà cho người có công với cách mạng tại huyện Cao Lãnh

Chia sẻ về công tác chăm lo cho người có công với cách mạng, ông Phạm Việt Công - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Đến nay, toàn tỉnh có 99,8% hộ gia đình chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, góp phần ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế địa phương. Thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các chế độ, chính sách đến người có công với cách mạng. Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi như: trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và một lần; chính sách về giáo dục, y tế, việc làm, vốn vay ưu đãi trong sản xuất kinh doanh, miễn giảm thuế. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo không thấp hơn mức bình quân của xã hội. Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp kêu gọi các đơn vị tiếp tục phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ hàng tháng đối với những đối tượng chính sách thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo...”.

NHÓM PV CT - XH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn