Phát huy và lan tỏa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Cập nhật ngày: 27/07/2022 10:20:16

ĐTO - Hàng năm cứ đến ngày 27/7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lại tưởng nhớ đến các anh hùng thương binh, liệt sĩ. Từ Bắc chí Nam, từ người già đến người trẻ, tất cả đều hướng trái tim của mình về những người đã hy sinh cả tuổi thanh xuân cho đất nước, cho thế hệ con em chúng ta, sử sách không ghi hết được sự hy sinh cao cả của họ.

Cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ của Nhân dân ta chống quân xâm lược đã đem lại cho Tổ quốc ta nền độc lập, đem lại cho Nhân dân ta sự tự do, hạnh phúc. Nhưng có được độc lập, tự do ấy, để đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc như hôm nay, chúng ta đã phải hy sinh, mất mát vô cùng to lớn. Đã có biết bao cán bộ, chiến sĩ và đồng bào yêu quý của chúng ta đã ngã xuống, nằm lại trong lòng đất quê hương, nhiều người trở về không còn lành lặn, hoặc bị di chứng nặng nề của chất độc hóa học. Điều đó đủ nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và đau thương, mất mát to lớn mà đồng bào ta gánh chịu. Nhưng chính sự hy sinh đó của đồng chí, đồng bào mới đem lại được niềm hạnh phúc cho dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Làm cho đất nước ta được nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Máu đào của các thương binh, liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ thắm.

Là một tỉnh giàu truyền thống cách mạng, trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, Nhân dân Đồng Tháp đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của dân tộc và cũng chịu nhiều đau thương, mất mát, hy sinh. Trải qua hai cuộc kháng chiến, tỉnh Đồng Tháp có trên 56.000 người có công với cách mạng; 1980 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; 44 Anh hùng lực lượng vũ trang; 18.549 liệt sĩ, 8.434 thương bệnh binh... Thời gian qua, thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng xã hội của xứ sở Đất Sen hồng luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng quà, tạo việc làm cho gia đình chính sách và chung tay góp sức vào công tác đền ơn đáp nghĩa.

Mặc dù đã làm được nhiều điều, nhưng chúng ta chưa thực yên tâm khi vẫn còn những gia đình chính sách có cuộc sống còn khó khăn, thu nhập bấp bênh, đang rất cần sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội; nhiều người sức khỏe yếu, thường xuyên ốm đau, nhiều nhà ở xuống cấp; vẫn còn những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt để lại nỗi đau thương khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta. Những gia đình người có công đó cần sự chăm sóc, động viên cả về vật chất, lẫn tinh thần của tất cả chúng ta.

Có nhiều việc nghĩa phải làm trong cuộc sống, nhưng chăm lo hương khói cho các anh hùng, liệt sĩ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước là một việc có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, vừa thể hiện lòng biết ơn và tri ân đối với những người có công với nước vừa góp phần quan trọng trong công tác giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Tất cả những ai đang được hưởng độc lập, tự do là đang chịu ơn của các anh hùng, liệt sĩ, và do đó, đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt việc nghĩa này. Cho nên, các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, các doanh nghiệp và từng người dân của quê hương Đồng Tháp cần có những đóng góp hơn nữa vào việc thực hiện chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, có nhiều việc làm thật cụ thể, thiết thực, bằng tấm lòng thật sự đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các gia đình chính sách.

Đất nước đã hòa bình, độc lập nhưng chiến tranh chưa hẳn đã lùi xa, các thế lực thù địch vẫn còn nhiều âm mưu phá hoại, chia cắt đất nước, nhiều loại tội phạm nguy hiểm vẫn đã và đang chực chờ cơ hội, dịch bệnh, thiên tai lũ lụt vẫn hoành hành. Tất cả chúng ta hãy tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước, của quê hương, để từ đó vượt lên trên mọi khó khăn riêng, nỗ lực học tập, công tác, chiến đấu, lao động sản xuất, kinh doanh để quyết trở thành những người có ích cho xã hội, làm rạng rỡ thêm truyền thống, góp phần tích cực và công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

75 năm đã trôi qua, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, đạo lý tốt đẹp “Uống nước nhớ nguồn” sẽ được tiếp tục phát huy và lan tỏa, là nét đẹp đầy tính nhân văn sâu sắc của dân tộc. Mỗi người chúng ta hôm nay, bằng những việc làm thiết thực và đầy ý nghĩa, hãy sống sao cho xứng đáng với sự ra đi của những người đi trước, hãy tự răn mình bằng những việc làm hữu ích cho quê hương Đất Sen hồng.

HOAN HUYỀN

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn