Quy trình giám sát chuyên đề theo Quyết định 89-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

Cập nhật ngày: 07/02/2023 16:47:35

ĐTO –  Như Báo Đồng Tháp Online đã thông tin, thực hiện Quyết định số 89-QĐ/TW ngày 1/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về ban hành Quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở, Báo Đồng Tháp Online tiếp tục đăng tải Quy trình giám sát chuyên đề theo Quyết định 89-QĐ/TW của Ban Bí thư. Cụ thể: 

>> Quy trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng của cấp ủy tỉnh và tương đương đến cơ sở

>> Quy trình kiểm tra chấp hành chủ trương, quy định của Đảng theo Quyết định số 89-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

>> Quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm theo Quyết định 89-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

>> Quy trình giải quyết tố cáo theo Quyết định 89-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng

>> Quy trình thi hành kỷ luật đảng theo Quyết định 89-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng


Đồng chí Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại
Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng của Đảng bộ tỉnh năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: P.Lộc

I- BƯỚC CHUẨN BỊ

1. Thành lập đoàn giám sát và xây dựng kế hoạch giám sát:

- Cơ quan, đơn vị giúp việc cấp ủy căn cứ chương trình, kế hoạch giám sát của cấp ủy, Ban Thường vụ (BTV) cấp ủy hoặc nhiệm vụ cấp trên giao để tham mưu cấp ủy quyết định thành lập đoàn giám sát tổ chức đảng, đảng viên (sau đây gọi là đối tượng giám sát); kế hoạch giám sát.

- Thường trực cấp ủy ký, ban hành quyết định, kế hoạch giám sát. Trưởng đoàn giám sát là cấp ủy viên do ban thường vụ phân công, nơi không có BTV thì do cấp ủy phân công (đối với cấp cơ sở và tương đương: Trưởng đoàn có thể là lãnh đạo các đơn vị hoặc đảng viên được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cấp ủy). Căn cứ tính chất, nội dung, quy mô giám sát để xác định số lượng thành viên cho phù hợp.

Kế hoạch giám sát xác định rõ về nội dung, mốc thời gian giám sát; thời gian làm việc, phương pháp tiến hành... Trong đó, mốc thời gian giám sát không nên quá 3 năm gần nhất; thời gian giám sát đối với cấp tỉnh và tương đương không quá 60 ngày; cấp huyện và tương đương không quá 45 ngày; cấp cơ sở không quá 30 ngày.

Trường hợp cần thiết, chủ thể giám sát có thể quyết định gia hạn thời gian giám sát nhưng không quá 1/3 thời gian giám sát đối với từng cấp theo quy định. Đoàn giám sát được sử dụng con dấu của cấp ủy để thực hiện nhiệm vụ.

2. Đoàn giám sát xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng giám sát báo cáo; lịch làm việc của đoàn và phân công nhiệm vụ từng thành viên trong đoàn; chuẩn bị các văn bản, tài liệu liên quan.

3. Văn phòng cấp ủy bảo đảm điều kiện cần thiết, kinh phí, phương tiện phục vụ đoàn thực hiện nhiệm vụ theo quy định (nếu có).

II. BƯỚC TIẾN HÀNH

1. Đoàn giám sát hoặc đại diện đoàn giám sát triển khai quyết định, kế hoạch giám sát, thống nhất lịch làm việc với đối tượng giám sát và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên. Yêu cầu đối tượng giám sát chuẩn bị báo cáo theo đề cương gợi ý, cung cấp các hồ sơ, tài liệu; các tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp thực hiện. Căn cứ tình hình thực tiễn, việc triển khai quyết định và kế hoạch kiểm tra có thể thực hiện theo hình thức trực tuyến hoặc gửi văn bản.

2. Đối tượng giám sát báo cáo bằng văn bản và các hồ sơ, tài liệu có liên quan gửi cấp ủy, BTV cấp ủy (qua đoàn giám sát).

3. Đoàn giám sát nghiên cứu báo cáo, hồ sơ, tài liệu nhận được; trường hợp cần thiết thì làm việc với đối tượng giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên để thẩm tra, xác minh những nội dung cần làm rõ.

Trong quá trình giám sát nếu cần điều chỉnh, bổ sung nội dung, thời gian, đối tượng giám sát, thành viên đoàn hoặc giám định về chuyên môn, kỹ thuật thì trưởng đoàn báo cáo BTV cấp ủy hoặc cấp ủy xem xét, quyết định. Những nội dung cần yêu cầu đối tượng giám sát giải trình, bổ sung, làm rõ (nếu có) thì trao đổi bằng văn bản.

- Đoàn giám sát xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát.

4. Tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát (tổ chức đảng là đối tượng giám sát hoặc trực tiếp quản lý đảng viên được giám sát tổ chức, chủ trì và ghi biên bản hội nghị).

Thành phần hội nghị: Đoàn giám sát, đại diện tổ chức đảng được giám sát hoặc đảng viên được giám sát và đại diện tổ chức đảng quản lý đảng viên đó (hoặc tùy nội dung, đối tượng giám sát, trưởng đoàn giám sát quyết định tổ chức đảng tổ chức hội nghị, thành phần dự các hội nghị).

- Hội nghị thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo báo cáo, kết quả thẩm tra, xác minh của đoàn và kiến nghị, đề xuất bằng văn bản (nếu có). Căn cứ tình hình thực tiễn, việc tổ chức hội nghị có thể theo hình thức trực tuyến hoặc gửi văn bản.

5. Đoàn giám sát tiếp tục thẩm tra, xác minh những nội dung chưa rõ hoặc có ý kiến khác nhau (nếu có); hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kết quả giám sát; xin ý kiến Ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp (nếu cần).

6. Đoàn giám sát phối hợp văn phòng cấp ủy báo cáo thường trực cấp ủy quyết định thời gian tổ chức hội nghị cấp ủy hoặc BTV cấp ủy, thành phần tham dự; gửi báo cáo kết quả giám sát đến các đồng chí Ủy viên BTV hoặc cấp ủy viên theo quy chế làm việc.

III- BƯỚC KẾT THÚC

1. Tổ chức hội nghị BTV cấp ủy hoặc cấp ủy xem xét, kết luận:

- Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát (nếu thuộc thẩm quyền cấp ủy kết luận thì BTV cấp ủy cho ý kiến chỉ đạo trước khi đoàn giám sát trình cấp ủy), trình bày đầy đủ ý kiến của đối tượng giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan; các đề xuất, kiến nghị.

- BTV cấp ủy hoặc cấp ủy xem xét, kết luận, trường hợp kết luận đối tượng giám sát có dấu hiệu vi phạm thì tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

2. Đoàn giám sát hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát, phối hợp với văn phòng cấp ủy dự thảo thông báo kết luận, trình thường trực cấp ủy ký, ban hành.

3. Đại diện BTV cấp ủy thông báo kết luận giám sát đến đối tượng giám sát và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Căn cứ tình hình thực tiễn, việc thông báo kết luận giám sát có thể thực hiện trực tuyến hoặc gửi văn bản.

4. Đoàn giám sát họp rút kinh nghiệm; kiến nghị, đề xuất với cấp ủy hoặc BTV cấp uỷ (nếu có); hoàn thiện hồ sơ, bàn giao cho văn phòng cấp ủy lưu trữ theo quy định.

5. Giao Ủy ban kiểm tra cấp ủy cùng cấp và đồng chí cấp ủy viên theo dõi địa bàn, lĩnh vực đôn đốc đối tượng giám sát thực hiện kết luận giám sát.

D.C (Tổng hợp)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn