Tạo sự đồng thuận từ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”

Cập nhật ngày: 07/10/2021 10:50:04

ĐTO - Công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Truyền thống yêu nước tiếp tục được phát huy, tạo nguồn lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh. Các cấp ủy, tổ chức đảng xác định công tác dân vận là nhiệm vụ chiến lược của cả hệ thống chính trị, có vai trò đặc biệt quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung lãnh đạo đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phương pháp nắm và phản ánh tình hình Nhân dân đa dạng, linh hoạt, hiệu quả.


Đồng chí Lê Thành Công - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (bìa phải) thăm lực lượng tham gia kiểm soát dịch Covid-19 ở địa bàn cơ sở

Việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Ban Dân vận cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp theo hướng tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu quả. Công tác giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền có chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình tự quản, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của người dân theo phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác”. Công tác dân vận chính quyền có nhiều chuyển biến rõ nét; Quy chế dân chủ ở cơ sở từng bước được nâng cao, quyền làm chủ của người dân được phát huy. Công tác tôn giáo và vận động đồng bào tôn giáo, kiều bào được tăng cường, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và công tác an sinh xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận còn chung chung, phương thức lãnh đạo chưa theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, còn lúng túng trong định hướng, giao việc cụ thể đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ đoàn thể chính trị - xã hội. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí và sử dụng cán bộ chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ công tác dân vận trong tình hình mới. Công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức, thiếu gắn kết chặt chẽ giữa công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ với thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế trong công tác dân vận, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI đã xây dựng, thảo luận thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác dân vận đến năm 2025. Đây là Nghị quyết mới trong nhiệm kỳ này và có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm hiện nay, nhất là trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Để từ đó, cả hệ thống chính trị có sự quan tâm đúng mức đến công tác dân vận, tạo sự đồng thuận cao từ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Công tác dân vận cần phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, phải “lấy người dân là chủ thể” trong quá trình ban hành các quyết sách và minh chứng cụ thể trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nếu các quyết sách của tỉnh Đồng Tháp không hợp với lòng dân và không có sự đồng lòng, hưởng ứng của người dân thì có thể tình hình dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát tốt như hiện nay. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành hành động cụ thể đi vào thực tế cuộc sống.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn